Tiếng Việt | English

10/09/2015 - 10:35

Tây Nha sẵn sàng để chấp nhận số lượng người tị nạn như EC yêu cầu

Tây Ban Nha sẵn sàng để chấp nhận số lượng người tị nạn theo như đề xuất của Uỷ ban châu Âu là dưới 20.000 người.

Trước đó cùng ngày Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã công bố kế hoạch phân bổ hạn ngạch bắt buộc để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại "Lục địa Già" trong vòng 70 năm qua, trong bối cảnh Hy Lạp và Hungary đang phải vật lộn với dòng người di cư mới ồ ạt tràn vào lãnh thổ.

Theo kế hoạch, 120.000 người tị nạn đang tạm trú tại Italia, Hy Lạp và Hungary, những nước vốn đã bị quá tải bởi các dòng người di cư liên tục đổ tới trong thời gian qua, sẽ được phân bổ cho các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) theo số lượng đã được định trước.

Tây Ban Nha sẵn sàng chấp nhận số lượng người tị nạn như EC yêu cầu. (Ảnh: AP).

Về vấn đề này, phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Tây Ban Nha Rahoi cho biết: “Tôi sẽ chấp nhận đề xuất của Ủy ban châu Âu. Ủy ban phải đưa ra các đề xuất và mọi việc cần phải được thực hiện một cách có trật tự. Ở đây mọi người từ Hội đồng địa phương đến cấp chính phủ đều muốn tự sắp xếp vấn đề . Điều này không được, cần phải có một Uỷ ban ở cấp độ châu Âu để điều phối vấn đề người di cư. Tây Ban Nha sẽ ủng hộ những sáng kiến của Uỷ ban châu Âu và thảo luận các con số mà Ủy ban này đề xuất”.

Ngoài Tây Ban Nha, hiện Pháp đã nhất trí đón tổng cộng 24.000 người tị nạn trong vòng 2 năm theo hạn ngạch do EC ấn định, trong khi Thủ tướng Anh David Cameron cho biết nước này có thể sẽ tiếp nhận 20.000 người trong vòng 5 năm tới.

Đức, nước dự kiến tiếp nhận 800.000 người tị nạn trong năm nay và có thể nhận tới 500.000 người tị nạn/năm trong vài năm tới, cho rằng kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư là “bước đi quan trọng đầu tiên”, song cảnh báo sẽ phản đối việc Liên minh châu Âu áp đặt các mức trần cứng nhắc. Theo Thủ tướng Đức Merkel châu Âu cần một thỏa thuận ràng buộc về tỷ lệ phân bổ người tỵ nạn dựa trên những tiêu chuẩn công bằng giữa các quốc gia thành viên (EU).

Hiện nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu vẫn chưa có sự đồng thuận trong vấn đề này, trong đó có Hungary - quốc gia hiện đang phải “gánh” hơn 150.000 người di cư đổ đến nước này trong năm nay và đang gấp rút hoàn tất việc xây dựng một hàng rào thép gai ở biên giới giáp với Serbia. Ngoài ra, Cộng hòa Séc, Ba Lan và Slovakia đều phản đối đề nghị này của Uỷ ban châu Âu./.

Anh Tuấn/VOV - Trung tâm Tin
Theo Reuters

 

Chia sẻ bài viết