Tiếng Việt | English

10/02/2021 - 07:05

Tết trên những làng nghề

Mỗi độ xuân về, tết đến, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Long An lại hối hả vào mùa. Những “người thợ” ở các làng nghề tỉ mẩn, khéo léo gói từng đòn bánh tét, làm bánh, mứt, uốn tỉa những cây mai vàng,… để kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Xóm bánh tét nhộn nhịp vào xuân

Khu phố 2, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An từ lâu đã được gọi là xóm bánh tét, bởi phần lớn người dân nơi đây làm nghề này. Nhà bà Bùi Thị Phú những ngày cận tết, không khí làm việc tất bật hơn thường ngày. Mọi người vừa nói, cười rôm rả, vừa nhanh tay hoàn thành các công đoạn để chuẩn bị gói bánh.

Những ngày giáp tết, xóm bánh tét ở khu phố 2, thị trấn Đức Hòa lại tất bật

Những ngày giáp tết, xóm bánh tét ở khu phố 2, thị trấn Đức Hòa lại tất bật

Bà Trần Thị Chích (78 tuổi) có nhiều kinh nghiệm gói bánh, chia sẻ: “Nghề gói bánh tét khá vất vả vì thức khuya, dậy sớm. Dù vậy nhưng chúng tôi vẫn gắn bó vì đây là nghề mưu sinh và là nghề truyền thống cần gìn giữ. Ngoài bánh tét, những người trong xóm còn gói thêm bánh ú”.

Có những hộ, con cháu đi làm công nhân, những ngày tết được nghỉ cũng trở về cùng gia đình quây quần gói bánh tét. Khoảng 4 giờ, xóm bánh tét đã sáng đèn, người chuẩn bị lá, nếp, đậu, người đem bánh tét bỏ mối, người chuyển lên xe cho thương lái chở đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như Bến Tre, Tiền Giang, Tây Ninh, TP.HCM,...

Ngày thường, các hộ trong xóm bánh tét gói từ vài chục đến vài trăm đòn bánh. Những ngày cận tết, đơn đặt hàng tăng lên nhiều hơn nên có hộ gói hàng ngàn đòn bánh tét mỗi ngày. Thương hiệu bánh tét Đức Hòa được khách hàng nhiều tỉnh biết đến nhờ hương vị truyền thống mang đậm hồn quê được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Niềm vui của những người làm nghề gói bánh tét

Niềm vui của những người làm nghề gói bánh tét

Ngoài xóm bánh tét Đức Hòa, xóm Bình An thuộc xã Bình An, huyện Thủ Thừa cũng nổi tiếng bởi nghề bánh tét truyền thống gần 40 năm nay. Bà Nguyễn Thị Kiều Mai (60 tuổi) - chủ lò bánh Chín Mai (ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa), cho biết: “Nghề này được truyền lại từ thời mẹ tôi và tôi gắn bó, lưu giữ đến ngày nay. Nghe mẹ kể lại, hồi xưa có nhiều gia đình trong xóm gói bánh tét nên hình thành xóm bánh tét như ngày nay”.

Bánh tét Bình An ban đầu chỉ được gói vào các dịp lễ, tết hoặc đám giỗ nhưng dần dần thành nghề mưu sinh hàng ngày. Muốn có đòn bánh tét ngon phải trải qua nhiều công đoạn. Lá chuối gói bánh phải to bản, không rách, trước khi gói được lau sạch phấn bụi, tước ra thành từng khổ khác nhau để quấn thân bánh hay gói đầu đòn bánh. Đòn bánh tét phải được gói ít nhất 3 lớp lá vì nếu gói ít hơn, bánh sẽ bị thấm nước, ăn rất bở. Nếp phải chọn loại sáp dẻo... Bánh tét Bình An được buộc bằng dây lác, có 4 loại nhân chính, gồm: Mỡ, ngọt, chuối và 3 nhân. Công việc gói bánh chia ra 2 khâu, một người đổ nếp và nhân gói sơ, người thứ hai buộc chặt đòn bánh. 

Xóm bánh tét nhộn nhịp vào xuân

Xóm bánh tét nhộn nhịp vào xuân

Những ngày cận tết, đa phần các lò bánh tét trong xóm đều phải nhờ thêm những người thợ lành nghề khác. Vì vậy, với hơn 10 người thợ trong xóm nghề, các gia đình phải chủ động giờ giấc gói bánh, tránh trùng thời gian với nhau. Điều này cũng trở thành nếp nghề. Bà Nguyễn Thị Điền, năm nay đã 89 tuổi nhưng vẫn tham gia gói bánh. “Gói bánh không phải để lấy tiền mà làm cho vui” - bà Điền móm mém cười, nói.

Niềm vui của những người làm nghề là thấy những đòn bánh tét mới ra lò, được phân phối đi nhiều nơi, góp phần mang sắc xuân đến với mọi nhà trong ngày Tết Cổ truyền của dân tộc.

Bánh mứt rộn rã vào mù

Tết đến, trong mỗi gia đình người Việt không thể thiếu hộp bánh, mứt, ấm trà. Khách đến nhà, mọi người mời nhau chút mứt ngọt ngào, thơm thảo cùng lời cầu chúc mọi điều hanh thông, thuận lợi trong năm mới. Điều này đã thành nét văn hóa truyền thống. 

Nghề làm mứt ở ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ rộn ràng vào những ngày cận tết

Mới đến đầu xóm làm mứt tết trên địa bàn ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, chúng tôi đã nghe thoảng mùi thơm của mứt gừng, mứt me. Nghề làm mứt tết đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Mứt tết nổi tiếng nhất nơi này là mứt me và mứt gừng. Tuy chỉ là món mứt dân dã nhưng qua đôi tay khéo léo của những người thợ vẫn mang hương vị rất riêng, “níu hồn” người thưởng thức. 

Gần 30 năm làm mứt tết, cơ sở mứt Huỳnh Ngọc Lan ở ấp 5, xã Lạc Tấn là một trong những thương hiệu quen thuộc. Trao đổi cùng chúng tôi, đại diện Cơ sở mứt Huỳnh Ngọc Lan chia sẻ: “Khoảng tháng Chạp là đã có khách hàng khắp nơi gọi điện thoại đặt hàng tết. Đây là những khách hàng lâu năm của cơ sở. Cơ sở chủ yếu làm 2 loại mứt: Gừng, me, tiêu thụ qua nhà phân phối và đại lý nhưng khách địa phương đặt mua để làm quà tặng cũng nhiều”.

Để làm ra những mẻ mứt thơm ngon là cả sự kỳ công của những người thợ. Độ mềm dẻo vừa phải và khô ráo của từng miếng mứt me chua chua, ngọt ngọt hay vị cay, hương thơm của mứt gừng đã làm hài lòng thực khách. Theo những người thợ làm mứt tết ở ấp 5, xã Lạc Tấn, một mẻ mứt me sau khi sên đường phải phơi hơn 10 ngày với nắng vừa phải. Còn mứt gừng, để đạt độ cay, thơm và có vị ngọt dịu, quá trình làm tốn nhiều công sức. Củ gừng tươi gọt sạch vỏ, sau đó xẻ đôi và xăm cho bớt cay rồi đem luộc, vớt ra để thật ráo, sau đó mới sên đường và phơi. Lúc sên đường phải chú ý gia giảm lượng đường và nước sao cho không quá loãng, không quá đặc để gừng mau ngấm...

Để cho ra một mẻ mứt gừng thơm, ngon phải trải qua nhiều công đoạn: Luộc, sên đường, phơi nắng,...

Để cho ra một mẻ mứt gừng thơm, ngon phải trải qua nhiều công đoạn: Luộc, sên đường, phơi nắng,...

Ngoài cơ sở Huỳnh Ngọc Lan, xóm mứt truyền thống ấp 5, xã Lạc Tấn còn có gần chục hộ làm nghề. Xóm nhỏ như rộn ràng hơn vào thời điểm cuối năm. Bà Nguyễn Thị Diệu cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống làm mứt tết mấy chục năm nay. Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 9 Âm lịch, cả gia đình miệt mài làm mứt đến cận tết mới nghỉ. Nghề làm mứt tuy vất vả nhưng mang đến lợi nhuận tương đối. Hơn nữa, sự tin tưởng của khách hàng là động lực để nhiều hộ cố gắng giữ nghề. Nghề làm mứt tết ở ấp 5, xã Lạc Tấn dù chỉ là nghề theo mùa vụ nhưng cũng giúp các hộ dân có một cái tết đầm ấm, sung túc”.

Mọi năm cứ khoảng cuối tháng Chạp, mứt tết được tiêu thụ nhiều nhưng trước đó rất lâu, các cơ sở, hộ gia đình làm mứt ở ấp 5, xã Lạc Tấn đã tất bật vào mùa. Mùa xuân dường như đến sớm hơn ở một xóm nhỏ của ấp 5, xã Lạc Tấn.

Mai vàng tô thêm sắc xuân

Nếu ai có dịp về Tân Tây, huyện Thạnh Hóa những ngày tết đến, xuân về, sẽ choáng ngợp trước những khu vườn rực rỡ mai vàng. Sắc mai vàng ươm trong cái nắng ấm áp tô điểm cho mùa xuân thêm rực rỡ.

Từ một vài diện tích nhỏ, lẻ, đến nay, làng nghề trồng mai vàng Tân Tây đầu tiên của tỉnh được nhiều người biết đến

Từ một vài diện tích nhỏ, lẻ, đến nay, làng nghề trồng mai vàng Tân Tây đầu tiên của tỉnh được nhiều người biết đến

Làng mai Tân Tây có 300 hộ dân trồng với tổng diện tích trên 300ha. Trong đó, gia đình ông Trần Văn Vị (ấp 4) có diện tích trồng mai lớn nhất (4ha). Người trồng mai nơi đây đều bán theo nhu cầu của khách hàng chứ không chỉ riêng vào dịp tết. Thương lái đến hỏi mua nếu được giá là người dân bán để tiếp tục trồng cây mới. Hiện vườn mai nhà ông Vị có nhiều gốc trị giá hơn 1 tỉ đồng.

Trong các loại mai, mai vàng được người dân chọn trồng phổ biến nhất do không kén chọn đất. Màu hoa vàng theo truyền thống của người Việt Nam là màu phú quý, có ý  nghĩa mang đến nhiều tài lộc, may mắn và thịnh vượng nên được người dân ưa chuộng, trưng bày trong dịp tết.

Hôm chúng tôi đến tham quan cũng là lúc thương lái thu mua 220 gốc mai vàng của gia đình ông Vị với tổng giá bán 13 tỉ đồng. Gia đình ông cũng là người đưa cây mai bén rễ với vùng đất này. “Gia đình tôi chuyển từ đất trồng tràm sang trồng 500 gốc mai vàng. Sau gần 5 năm chăm sóc, tôi bán được 480 triệu đồng. Thấy cây mai phù hợp với thổ nhưỡng, phát triển tốt, ít sâu, bệnh, có đầu ra ổn định và lợi nhuận gấp 10 lần cây lúa nên nhiều người chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng. Về cây giống, tôi tự ươm và trồng giống mai nguyên thủy vì có rễ và tàn đẹp theo ý muốn của mình. Người dân còn ươm giống cung cấp cây mai con cho các khu vực lân cận khi có nhu cầu” - ông Vị chia sẻ.

Đời sống của người dân nâng cao thì nhu cầu chơi mai, thưởng mai ngày càng lớn. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường nên gia đình anh Võ Văn Chùm (ấp 3) chuyển trên 1ha đất trồng cây xanh sang trồng mai vàng (khoảng 1.000 gốc). Từ đó, thu nhập của gia đình anh tăng nhiều hơn so với trước. Diện tích mai vàng của anh hiện có độ tuổi từ 2-8 năm. Gần đây, anh bán trên 100 gốc (độ tuổi 6 năm) với giá gần 1 tỉ đồng. 

Anh Võ Văn Chùm chia sẻ: “Làm nghề gì cũng phải yêu nghề, nghề trồng mai cũng vậy. Tôi cũng không biết mình thích trồng và chăm sóc mai từ bao giờ. Niềm đam mê ấy dần thấm sâu trong tôi. Điều quan trọng và khó khăn nhất là tạo dáng cây, giúp mai nở hoa đúng kỳ, đều và màu đẹp. Tôi không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng trước trong việc chăm sóc, uốn tỉa cành và tạo dáng cho cây. Nhờ vậy, vườn nhà tôi có nhiều cây dáng đẹp nên khi bán, thương lái rất thích và mua với giá cao”.

Hiện vườn mai của gia đình ông Trần Văn Vị có nhiều gốc trị giá hơn 1 tỉ đồng

Hiện vườn mai của gia đình ông Trần Văn Vị có nhiều gốc trị giá hơn 1 tỉ đồng

Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Văn Chẳn thông tin: “Từ khi làng nghề trồng mai được công nhận, chính quyền địa phương và người dân đều phấn khởi. Đây là điều kiện để làng mai dần có thương hiệu và phát triển về quy mô sản xuất, mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái. Người dân được đào tạo nghề và chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Mong rằng, cấp trên sớm nâng cấp, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, hệ thống điện để người dân thuận lợi trong vận chuyển và tưới, tiêu”.

Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc

Đời vui, sức khỏe, tết an khang

Những ngày cận tết, dù tất bật với công việc nhưng mọi nhà đều không quên chuẩn bị một chậu mai hoặc một nhành mai đón năm mới. Người dân ở làng mai Tân Tây vì thế không những có thu nhập cao mà còn góp phần đem sắc xuân, may mắn đến với mọi nhà./.

Song Hồng - Đông Đông - Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết