Giữ hương vị bánh quê nhà
Ngay từ nhỏ, bà Nguyễn Thị Bạch - chủ Cơ sở Bánh in Hai Ven (ấp Trung, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), được cha mẹ dạy làm bánh. Hơn 20 năm gắn bó, đến nay, bà vẫn “nặng lòng” với nghề làm bánh in truyền thống của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Bạch có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm bánh in
Có dịp chứng kiến cả gia đình bà cặm cụi bên bếp lửa, chúng tôi mới cảm nhận hết những vất vả và niềm đam mê với nghề. Mỗi ngày, gia đình bà bắt đầu làm bánh từ lúc 14 giờ. Mỗi người đảm nhận một công đoạn khác nhau. Người trộn bột, người nhóm lửa, người xào nhân rồi đổ vào khuôn bánh,… Tất cả công đoạn đều làm thủ công. Loay hoay đến khoảng 19 giờ, những mẻ bánh in thơm ngon ra lò. Bánh in của bà Bạch được nhiều người ưa chuộng.
Bà Bạch chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ làm vào dịp tết nhưng hiện nay, làm bánh in trở thành nghề chính của gia đình. Ngày thường, tôi làm khoảng 150-200 bánh, ngày tết làm 700-800 bánh, chủ yếu lấy công làm lời. Làm bánh in không khó nhưng phải kiên trì mới bám được với nghề”.
Tùy theo yêu cầu của khách mà bà Bạch làm bánh in với các loại nhân khác nhau như đậu xanh, thập cẩm hoặc nhân mặn (cũng giống nhân thập cẩm nhưng có thêm trứng muối, lạp xưởng). Tuy làm bánh theo kiểu truyền thống nhưng bà luôn chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm, lựa chọn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Khi bán, bà Bạch cũng hướng dẫn người mua cách bảo quản, thời hạn sử dụng bánh. Bởi, bà luôn tâm niệm, mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải thơm ngon, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và mang hương vị riêng biệt.
Quyết tâm bám nghề
Long Cang nổi tiếng là vùng đất của làng nghề dệt chiếu ở huyện Cần Đước. Làng nghề truyền thống này gắn bó với người dân miền hạ từ bao đời nay. Như bao nghề truyền thống khác, nghề dệt chiếu Long Cang có từ rất lâu, người đi trước dạy người đi sau mà tồn tại đến bây giờ. Ngày nay, nhiều người chuyển sang dùng chiếu trúc, nệm thay cho chiếu lác nhưng với độ bền, chắc, chiếu Long Cang vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Nghề dệt chiếu gắn bó với bà Lê Thị Điệp đã 46 năm nay
Theo chân Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Long Cang, chúng tôi đến gia đình bà Ngô Thị Điệp (ấp 3, xã Long Cang). Nghề dệt chiếu gắn bó với bà Điệp đã 46 năm nay. Căn nhà bà được xây dựng kiên cố cũng nhờ tiền dành dụm từ nghề dệt chiếu. Trên chiếc khung dệt thủ công, đôi tay bà Điệp thoăn thoát luồn những sợi lác để dệt nên những đôi chiếu bền, chắc. Đây chính là công việc mưu sinh của gia đình bà từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo bà Điệp, trước đây, hầu như nhà nào ở đây cũng dệt chiếu. Người đặt mua nhiều nên ngày đêm, cả xóm rộn ràng tiếng khung dệt, chiếu dệt xong phơi đầy dọc hai bên đường, trên những hàng rào. Chiếu trơn, chiếu hoa, chiếu in,… nổi tiếng khắp các vùng bởi độ bền và tính thẩm mỹ, được người tiêu dùng ưa chuộng một thời. Lễ cưới của các chàng trai, cô gái vùng thôn quê thời bấy giờ cũng không thể thiếu đôi chiếu Long Cang.
“Từ nhỏ, tôi xem mẹ dệt chiếu rồi học theo và dần dần giỏi nghề. Theo thời gian, nghề dệt chiếu dần mai một và ít người làm. Đất trồng lác cũng nhường chỗ cho các khu, cụm công nghiệp. Vì vậy, nhiều người bỏ nghề, đi làm công nhân. Hiện tại, các hộ có điều kiện kinh tế thì mua máy dệt, hộ khó khăn thì vẫn dệt chiếu thủ công như trước. Do lớn tuổi, sức khỏe kém nên mỗi ngày tôi chỉ dệt được 2 đôi chiếu, bán giá từ 32.000-42.000 đồng/đôi. Khó khăn là vậy nhưng tôi quyết không bỏ nghề truyền thống của gia đình” - bà Điệp chia sẻ.
“Giữ lửa” nghề làm bánh tráng
Làng nghề bánh tráng tại khu phố Nhơn Hòa 1 và Nhơn Hòa 2, phường 5, TP.Tân An duy trì hơn 100 năm qua. Từ năm 2013 đến nay, làng bánh tráng Nhơn Hòa được công nhận là làng nghề truyền thống. Tại đây, trên 90 hộ dân theo nghề làm bánh tráng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động địa phương. Bình quân mỗi ngày, mỗi hộ tráng được hơn 20kg bánh. Bánh tráng Nhơn Hòa được làm bằng 100% bột gạo, không sử dụng hóa chất nên có hương vị đặc trưng, độ mặn vừa phải tạo cho bánh mềm, dẻo.
Làng nghề bánh tráng tại khu phố Nhơn Hòa 1 và Nhơn Hòa 2, phường 5, TP.Tân An duy trì hơn 100 năm qua
Vợ chồng ông Bùi Nguơn Khánh (khu phố Nhơn Hòa 1, phường 5, TP.Tân An) gắn bó với nghề làm bánh tráng mấy chục năm qua. Mỗi ngày, vợ chồng ông làm bánh đều đặn như một thói quen. “Nghề cha truyền con nối này giúp gia đình tôi vượt qua cảnh nghèo, có cuộc sống ổn định. Nhờ số tiền dành dụm từ việc bán bánh tráng mà vợ chồng tôi xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Làm nghề này tuy không nặng nhọc nhưng khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như xay bột, tráng bánh, phơi nắng, phơi sương,… Thế nhưng, đây là nghề truyền thống của gia đình nên tôi quyết tâm bám nghề” - ông Khánh trải lòng.
Còn bà Nguyễn Thị Nương (khu phố Nhơn Hòa 1, phường 5, TP.Tân An) cũng không thể “dứt” được nghề làm bánh tráng. Bà biết làm bánh khi 17 tuổi, tính đến nay đã gắn bó hơn 55 năm. “Ngày xưa còn trẻ, mỗi ngày, tôi làm được 30kg bánh, nay tuổi cao nên chỉ làm khoảng 12kg. Hôm nào khỏe, tôi làm được nhiều hơn. Mỗi ngày, tôi kiếm được gần 40.000 đồng” - bà Nương bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Nương (khu phố Nhơn Hòa 1, phường 5, TP.Tân An) không thể “dứt” được cái nghề làm bánh tráng truyền thống của gia đình
Các nghề truyền thống như dệt chiếu, làm bánh tráng, bánh in,… có từ bao đời nay, góp phần cải thiện đời sống của nhiều hộ gia đình. Theo thời gian, các làng nghề dần mai một nhưng vẫn được một số hộ gia đình “níu giữ” bằng niềm đam mê, tâm huyết. Để các làng nghề truyền thống phát triển ổn định và bền vững, các cơ sở sản xuất ở làng nghề cần liên kết với nhau thành những hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên ngành tại địa phương. Các cấp, các ngành cần có nhiều chính sách thiết thực như cho vay ưu đãi; hỗ trợ cơ sở vật chất, kỹ thuật; đào tạo nâng cao tay nghề; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại;... Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy những ngành nghề truyền thống của địa phương./.
"Để các làng nghề truyền thống phát triển ổn định và bền vững, các cơ sở sản xuất ở làng nghề cần liên kết với nhau thành những hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên ngành tại địa phương. Các cấp, các ngành cần có nhiều chính sách thiết thực như cho vay ưu đãi; hỗ trợ cơ sở vật chất, kỹ thuật; đào tạo nâng cao tay nghề; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại,... Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy những ngành nghề truyền thống của địa phương”. |
Ngọc Mận - Huỳnh Hương