Tiếng Việt | English

24/01/2020 - 14:55

Tết xa nhà

Tết đến, xuân sang, khi nhiều người sum họp bên gia đình thì vẫn có những người ngậm ngùi đón tết xa quê.

Nhiều năm đón tết ở quê hương thứ hai, ông Bảy vẫn nhớ về tết xưa nơi quê nhà (Trong ảnh: Tết đến, ông Bảy vẫn tất bật với công việc mua bán)

1. Theo quan niệm của người Việt, tết là dịp sum vầy, quây quần bên nhau. Ngày tết trở nên ý nghĩa hơn khi tất cả thành viên trong gia đình đoàn tụ, ăn bữa cơm cuối năm. Nhưng với không ít người con xa quê, không khí sum vầy ấy đôi khi chỉ còn trong ký ức.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quảng Nam đầy nắng gió, bão lụt, sau ngày thống nhất đất nước, ông Bảy (Ngô Hoài Phong) khăn gói vào Nam và chọn mảnh đất Long An là nơi dừng chân. Ông Bảy gầy dựng được cơ sở kinh doanh tại phường 2, thị xã Kiến Tường. Mấy chục năm xa quê, những lần tết đến, ông Bảy luôn khắc khoải nhớ tết xưa. 

“Ai cũng vậy, càng lớn tuổi lại thường hoài niệm. Tôi vào Nam mấy chục năm, Long An trở thành quê hương thứ hai nhưng mỗi lần tết đến, xuân về lại nhớ tết quê. Hồi đó, vùng quê còn nghèo nhưng tết vui lắm! Mọi người sống rất chan hòa, nghĩa tình. Nhớ mâm cơm ngày tết với đông đủ anh em trong nhà. Vui nhất có lẽ là những ngày giáp tết khi khắp nơi trong xóm í ới gọi nhau để tụ họp, trò chuyện, ăn uống,…” - ông Bảy nói. 

Những năm đầu xa quê, vì cuộc sống khó khăn nên ông ít có dịp về quê đón tết. Sau này, cuộc sống dần khá lên nhưng người thân cũng lần lượt rời bỏ ông về với tổ tiên nên số lần về quê đón tết cũng thưa dần. “Năm qua, tôi về quê 2 lần nên tết này không về. Bây giờ, công việc buôn bán bận rộn, hơn nữa kinh doanh phải giữ chữ tín nên không có nhiều thời gian để nghỉ tết. Ngày tết ở quê hương thứ hai này, gia đình tôi cũng làm mấy món ăn truyền thống,… nhưng vẫn thấy thiếu thiếu, đó là sự ấm cúng của hương vị tết xưa ở quê nhà” - ông Bảy trầm ngâm.

Ông Bảy cho rằng, là con người, ai cũng có quê hương, nguồn cội. Dù sinh sống và làm việc nơi đâu, ông cũng cố gắng sống thật tốt, giúp ích cho nhiều người có hoàn cảnh bất hạnh. Nghĩa tình với vùng đất đã giúp gia đình ông “ăn nên làm ra”, mỗi năm ông dành hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương: Tặng học bổng cho học sinh nghèo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây nhà Nghĩa tình đồng đội và tặng quà hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vào dịp tết.

2. “Tôi nhớ mỗi dịp tết, cùng mẹ và mấy chị đi chợ thật vui! Chợ tết quê mang một nét riêng mà dù đi xa, đến bây giờ tôi vẫn nhớ” - chị Huỳnh Thị Huyền My hồi tưởng những năm chưa lập gia đình và đón tết quê. 

Mỗi năm, khi không về quê đón tết, vợ chồng chị Huỳnh Thị Huyền My cùng nhau làm vài món ăn để chung vui với hàng xóm

Chị My và chồng là anh Huỳnh Thanh Sơn cùng quê Quảng Ngãi, vào TP.Tân An làm công nhân được vài năm nay. Đã 3 mùa xuân trôi qua, anh chị chưa về quê đón tết. Năm nay, vợ chồng chị cũng chưa có dự định về bởi chi phí đi lại ngày tết khá tốn kém. 
“Tết tôi có mua bánh tét, thịt gà, giò lụa,… về cúng nhưng cảm giác rất khác hương vị quê nhà. Nơi vợ chồng tôi ở cũng có những người không về quê đón tết. Đêm giao thừa, chúng tôi tổ chức ăn vài món nhẹ, nhâm nhi ly rượu, uống chung nước trà và trò chuyện. Sau đó, vợ chồng tôi gọi điện về hỏi thăm gia đình hai bên, mở mạng xem các chị quay lại giao thừa ở quê, cảm giác được vui lây….” - chị chia sẻ. 

Với những người xa nhà, ngày tết vẫn canh cánh bên lòng nỗi nhớ quê và mong chờ mùa xuân năm sau sẽ có điều kiện trở về để cùng sum vầy bên những người thân yêu./.

Khánh Minh

Chia sẻ bài viết