Tiếng Việt | English

04/02/2019 - 08:40

Tết yêu thương ở Trường Sa

Những cánh hoa mai bắt đầu hé nở cũng là lúc các con tàu thuộc Vùng 4 Hải quân vượt sóng, thắng gió mang cả vật chất lẫn tinh thần ra với quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Với hải trình hơn 600 hải lý, ngày thường đi cả chục ngày, dịp giáp tết, đi hết vòng trong điều kiện sóng gió cũng phải 20 ngày, thế nhưng, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên các con tàu, nhất là các đồng chí thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân luôn chủ động, sáng tạo trong công tác bảo đảm chế độ, tiêu chuẩn cho bộ đội được tốt nhất trước giờ vươn khơi.

Chào cờ đầu năm trên đảo Trường Sa

Chào cờ đầu năm trên đảo Trường Sa

Quà tết vượt biển đến đảo xa

Không khí tết có lẽ bắt đầu từ Quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Trong cái cảnh bùi ngùi mẹ tiễn con, chị tiễn em, vợ tiễn chồng,... cả tiếng sụt sịt lẫn tiếng cười của người đất liền cố làm ra vẻ bình thản cho người lính đi biển yên lòng... Bên cạnh âm thanh rì rầm của sóng biển là tiếng rộn rã của tiếng heo eng éc và tiếng gà cục tác ở ngay trên boong tàu. Từng thùng hàng được xếp gọn gàng bao gồm các mặt hàng thiết yếu có chất lượng cao như gạo nếp thơm, lá dong, lạt buộc, miến dong, măng khô,... Năm nào cũng vậy, ngoài tiêu chuẩn tết theo quy định của Bộ Quốc phòng, quân và dân Trường Sa còn đón nhận nhiều phần quà xuân của các doanh nghiệp, cơ quan, tỉnh, thành gửi tặng, chủ yếu là nhu yếu phẩm và đồ dùng sinh hoạt ngày tết,... Những vật phẩm phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội như lịch treo tường, lịch để bàn, sách, báo, tạp chí, băng đĩa nhạc, hình mới nhất phục vụ Tết Nguyên đán cũng được tập kết chuyển đến tay những người lính đảo. 

Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, hàng hóa đã được gói kỹ, buộc chặt thì các con tàu bắt đầu nhổ neo, cắt sóng ra khơi. Và rồi hành trình của những con tàu sau rất nhiều cơn “say sóng”, cuối cùng cũng đưa được hàng hóa đến với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thế nhưng, không phải đến đảo là hàng lên được ngay mà còn phải trải qua nhiều khâu chuyển tải mới đến tay quân và dân trên đảo. Đối với các đảo nổi như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây,... tàu sẽ cập sát cảng và chuyển quà lên đảo nhưng với các đảo chìm thì không đơn giản như vậy. Phương án chuyển quà lên đảo sẽ bằng xuồng chuyển tải. Cứ đến cách đảo khoảng 1 hải lý, tàu phải neo ở phía ngoài để xuồng chuyển tải chở người và hàng vào đảo. Mà mỗi lần lên xuống xuồng trong điều kiện sóng lớn rất nguy hiểm, chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến mất an toàn cho cả người và hàng.

Xuồng chở đoàn chúc tết vào thăm cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca

Xuồng chở đoàn chúc tết vào thăm cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca

Thượng tá Nguyễn Hữu Minh - Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp gần tết là sóng to, gió lớn nên đòi hỏi sức khỏe và tinh thần của những người chở hàng ra đảo phải rất vững vàng. Trong những dịp như thế này, chúng tôi thường lựa chọn những CBCS có kinh nghiệm đi biển và chuyển hàng ra đảo. Cho dù sóng có lớn, nguy hiểm có thường trực nhưng chúng tôi luôn xác định bằng mọi cách, quà tết phải được trao tận tay CBCS và người dân ở trên tất cả các đảo và điểm đảo bảo đảm an toàn tuyệt đối”.

Yêu thương tết sớm Trường Sa

Giờ này ngoài đảo, quân và dân cũng đã nắm được có tàu chở mùa xuân đang trên đường ra đảo nên ai cũng mong từng ngày. Chính vì vậy, khi có tàu đến đảo, chúng tôi không thể tả hết niềm vui mừng của những người ở các đảo đón khách và nhận quà tết. Ai cũng háo hức muốn biết tết năm nay mình sẽ đón xuân với “quà đất liền” gồm những gì? Trung tá Dương Chí Nguyện - Chính trị viên phó đảo Đá Tây, cho biết: “Hay tin tàu chở hàng tết ra đảo, CBCS trên đảo vui mừng và chờ đón từ mấy ngày nay rồi. Đảo đã chuẩn bị rất nhiều món ăn ngày tết đặc trưng của đảo để đãi khách. Và tôi chắc chắn một điều là ai cũng phải ngạc nhiên về cái tết đến sớm trên đảo này”.

Đến các đảo, chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vì cũng giống như ở đất liền, không khí đón Tết Cổ truyền trên đảo thật tưng bừng, với đủ cả các hương vị từ bánh chưng, thịt heo, cây mai, cành đào,... đến các trò chơi giải trí như hái hoa dân chủ, thi hát karaoke,... Tuy vậy, tinh thần sẵn sàng chiến đấu và độc lập tác chiến của những người lính ở đây rất cao. Các đảo luôn thực hiện tốt chế độ canh trực và sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ, bảo đảm quan sát phát hiện đúng mục tiêu trên biển để xử lý.

Bữa cơm chia tay với những người lính đảo chìm ở Núi Le B có cả hương vị của đất liền và biển cả, giống như một bữa tất niên sớm. Tất cả đều xem nhau như những người thân trong gia đình, người đi, người ở đều bịn rịn. 

Chuyển quà tết lên đảo Len Đao

Chuyển quà tết lên đảo Len Đao

Có lẽ rộn ràng và vui nhất là cảnh những người lính trẻ quây quần gói bánh chưng. Lá dong gửi từ đất liền ra, có lẽ chỉ còn xanh khi các con tàu đến điểm đảo đầu tiên là Trường Sa và Song Tử Tây... còn đến các đảo nổi, đảo chìm khác thì lá đã... héo quắt. Lính đảo nâng niu từng chiếc lá, lá rách vẫn tận dụng làm lá gói trong cùng. Thiếu lá dong hoặc không có thì lính đảo dùng lá bàng vuông để gói bánh. Bánh chưng trên các đảo ở Trường Sa được gọi là bánh chưng ba miền. Lính đảo người miền Bắc gói bánh vuông theo khuôn sẵn, lính người miền Trung gói bánh hình tròn, người miền Nam gói bánh dài như bánh tét, cùng luộc chung một nồi, cùng bày chung một bàn thờ, bên cạnh mâm ngũ quả đón giao thừa. Ai cũng muốn gửi một chút tình cảm quê hương của mình vào chiếc bánh nên tết ở đảo Trường Sa phong phú, sinh động lắm!

Thượng tá Phạm Văn Thọ - Chính trị viên đảo Sơn Ca, kể: “Đêm giao thừa ở đảo, mọi người tập trung ở phòng Hồ Chí Minh tổ chức hái hoa dân chủ, thi hát karaoke, chúc tết gia đình qua điện thoại,... Ngày mùng 1 tết, bộ đội chia nhau đi chúc tết các đơn vị. Nhưng nhớ nhất khoảnh khắc chào cờ đầu năm, đó là hình ảnh hùng tráng và thiêng liêng nhất. Ai trong đời được một lần chào cờ, hát Quốc ca dưới lá cờ Tổ quốc bên cột mốc chủ quyền trên đảo thì chắc có lẽ không bao giờ quên. Với tôi, 2 lần chào cờ vào ngày mùng 1 tết rồi nhưng mỗi lần đều có một cảm xúc khác khau mà không bao giờ có thể quên được thời khắc thiêng liêng ấy. Đúng là xuân ở nơi này đầy tình yêu thương và ngập tràn cảm xúc mà chỉ có những người lính đảo mới được tận hưởng./.

Phạm Quang Tiến

Chia sẻ bài viết