Tiếng Việt | English

02/01/2020 - 09:58

Thắm tình người ở những phiên tòa

Những bản án được tuyên vừa khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng chứa đựng trong đó sự khoan hồng. Có vụ án, dù là người “chết hụt” sau những nhát dao chí mạng nhưng khi ra tòa, bị hại vẫn một mực xin giảm án cho bị cáo, lại có vụ gia đình bị hại mất đi người con nhưng vẫn xin cho người thân bị cáo khắc phục hậu quả ít vì nhà nghèo,...

Minh họa: Hữu Phương

Minh họa: Hữu Phương

1. Đầu tháng 10, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm đối với bị cáo Đỗ Tiến Phong, 35 tuổi, ngụ thị xã Kiến Tường, về tội “Giết người”. Bị hại trong vụ án không ai khác chính là vợ của bị cáo. Cả 2 người đã có với nhau 2 mặt con, đứa con nhỏ mới tròn 1 tuổi. Ăn chơi, không quan tâm gia đình cùng với việc sử dụng ma túy nên Phong thường nghi ngờ vợ có tình cảm với người khác khiến mâu thuẫn gia đình ngày càng trầm trọng. Chiều ngày 10-10-2018, sau cuộc nhậu và sử dụng ma túy về nhà, Phong thấy vợ đang xếp quần áo, cơn ghen vô cớ nổi lên khiến Phong chỉ muốn kết thúc cuộc đời mình cùng vợ. Những suy nghĩ trong đầu và ảo giác của ma túy xui khiến Phong đi thẳng xuống bếp lấy theo con dao nhọn rồi lên võng nằm. Cùng lúc này, Phong gọi vợ đến cùng nằm võng nói chuyện. Chẳng mảy may nghi ngờ, chị P. tới nằm chung võng và trò chuyện vui vẻ với chồng. Bất ngờ, Phong với lấy con dao đâm thẳng vào vùng ngực vợ. Do chị P. đỡ được nên Phong tiếp tục đâm vào vùng bụng chị. Lúc này, chị P. vùng bỏ chạy, tri hô mọi người thì bị Phong đuổi theo đâm thêm nhiều nhát vào lưng khiến con dao dính chặt trên người chị. Sau đó, được người nhà đến can ngăn và đưa chị P. đi cấp cứu, thoát chết sau những nhát dao của chính người chồng.

Đúng 1 năm sau, phiên tòa được mở. Vụ án cũng không có gì phức tạp khi tình tiết phạm tội của Phong đã được cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ và chính bị cáo Phong cũng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Đáng lẽ ra, sau những nhát dao chí mạng của người chồng bạc tình, chị P. phải là người hận Phong nhất. Thế nhưng, thay vì những lời nói thù hận, chị lại xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì dù sao giữa chị với bị cáo cũng là tình nghĩa vợ chồng. Và chính chị cũng không yêu cầu bị cáo hay người thân phải bồi thường những tổn thất vật chất, tinh thần mà chị phải chịu đựng sau những ngày điều trị. Mức án 10 năm tù tòa tuyên cho Phong không lớn nhưng tòa án lương tâm sẽ dằn vặt Phong trong suốt quãng đời còn lại của mình.

2. Tối ngày 23/4/2019, khu vực 5, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa rúng động vì vụ án mạng thương tâm, nạn nhân là một thiếu nữ 17 tuổi chết trong quán cà phê, trên người nhiều thương tích. Đau lòng hơn, nạn nhân sau khi bị giết hại còn bị đối tượng cưỡng hiếp. Cũng trong đêm ấy, hung thủ đã được gia đình đưa đến cơ quan công an đầu thú. Dù mới 17 tuổi nhưng vì ham muốn tầm thường, Mai Văn Hà, ngụ huyện Đức Hòa, đã ra tay sát hại bạn gái mới quen để thỏa mãn thú tính, đã thế, trước khi bỏ đi, Hà còn lấy luôn chiếc điện thoại của nạn nhân. Vụ án sau đó được xét xử kín do bị hại và bị cáo còn đang trong tuổi vị thành niên.

Ngồi bên ngoài phòng xử, dì ruột của nạn nhân kể cho tôi nghe những tình tiết xảy ra trong hôm ấy. Cú sốc quá lớn khiến cả gia đình suy sụp. Ai cũng muốn hung thủ phải trả giá thích đáng cho hành vi phạm tội đối với gia đình nạn nhân. Gần 3 tiếng, phiên tòa kết thúc với mức án 18 năm tù dành cho bị cáo về 3 tội: “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Hiếp dâm”. Tiếng la ó của một số người nhà không vào được phiên xử khi nghe mức án quá nhẹ dành cho hung thủ, dù biết rằng mức án ấy kịch khung khi áp dụng đối với người chưa thành niên. Khi bị cáo được dẫn giải ra chiếc xe bít bùng chờ sẵn để đưa về trại tạm giam, ông S. - cha của bị cáo, thất thểu bước theo sau với dáng người khắc khổ. Gia đình bị cáo thuộc diện khó khăn, mức bồi thường 100 triệu đồng cho gia đình bị hại dường như vượt quá khả năng của người đàn ông ấy. Chưa kịp suy nghĩ gì, tôi chỉ nghe rõ câu nói của người dì với cha mẹ bị hại: “Nó (bị cáo-PV) phạm tội, nó phải trả giá. Cha mẹ nó đã khổ rồi, gia đình mình cũng không cần phải đòi bồi thường, tội người ta. Con mình xem như nó bạc phận,…”. Và tôi biết rằng, trong phiên xử ấy, khi chỉ có quan tòa, bị cáo cùng gia đình 2 bên, chính gia đình bị hại đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo để bị cáo cơ hội sớm trở về làm lại cuộc đời.

3. Phiên tòa này khá đặc biệt khi 2 bị cáo được tại ngoại và vừa kết thúc kỳ thi THPT quốc gia. Đó là D.T.H. và Đ.Q.N., cùng 18 tuổi, ngụ huyện Cần Giuộc, từng gây ra một số vụ cướp giật tài sản là điện thoại di động của người dân vào đầu tháng 01/2019 trên địa bàn huyện Cần Đước. Dù không bị bắt quả tang nhưng từ công tác trích xuất camera an ninh, D.T.H. và Đ.Q.N. bị cơ quan công an mời đến làm việc và cả 2 đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Các cơ quan tố tụng cân nhắc, chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú để cho các bị cáo có cơ hội hoàn thành việc học tập khi đã gần xong 12 năm đèn sách. Và cũng trong thời gian này, cả H. và N. hoàn thành xong chương trình THPT và đều tốt nghiệp. Hiện bị cáo H. tiếp tục theo học tại một trường cao đẳng và bị cáo N. đang nộp hồ sơ để học nghề.

Tại phiên tòa, nếu chiếu theo các quy định của Bộ luật Hình sự, cả 2 bị cáo đều có thể bị tuyên mức án tù giam. Tuy nhiên, sau khi lắng nghe 2 bị cáo trình bày nguyên nhân, hoàn cảnh và động cơ phạm tội, Hội đồng xét xử TAND huyện Cần Đước cho rằng, trong vụ án này, tài sản các bị cáo cướp giật có giá trị không lớn, phía bị hại cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho 2 bị cáo. Khi phạm tội, các bị cáo đều chưa thành niên nên nhận thức pháp luật còn hạn chế. Đồng thời, để tạo điều kiện cho các bị cáo tiếp tục con đường học tập, trở thành công dân tốt cho xã hội, Hội đồng xét xử TAND huyện Cần Đước quyết định tuyên phạt mỗi bị cáo mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách 5 năm.

Sau phiên tòa, chủ tọa phiên tòa tâm sự: “Trong vụ án này, nếu tuyên mức án tù cũng phù hợp với hành vi phạm tội của 2 bị cáo, nhưng khi nghị án, các thành viên Hội đồng xét xử đã xem xét toàn diện các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với 2 bị cáo để cân nhắc một mức án phù hợp. Và việc cho được hưởng án treo sẽ tạo điều kiện để các bị cáo có cơ hội tiếp tục con đường học tập, sửa chữa lỗi lầm. Do đó, các thành viên Hội đồng xét xử thống nhất không nhất thiết phải cách ly bị cáo khỏi xã hội mới giúp các bị cáo trở thành công dân có ích. Và đây cũng là tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật”.

Tôi đã dự cả trăm phiên tòa hình sự, mỗi phiên tòa - một bản án - một câu chuyện. Đó vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn chặn, răn đe cái ác. Nhưng cũng có rất nhiều phiên tòa, bản án được đưa ra thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, vừa có lý, vừa có tình, giúp những người lầm lỡ có cơ hội chuộc lại lỗi lầm, làm lại cuộc đời./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết