Tiếng Việt | English

27/04/2020 - 10:23

Thận trọng tái đàn sau dịch tả heo châu Phi

Thời điểm hiện nay, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) cơ bản được kiểm soát. Việc tái đàn heo đang được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện một cách thận trọng với những điều kiện khắt khe nhằm bảo đảm an toàn.

Còn nhiều khó khăn

Giữa tháng 6/2019, DTHCP đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, dịch xảy ra tại 3.130 cơ sở chăn nuôi thuộc 695 ấp/khu phố, 177 xã/phường của 15 huyện, thị xã, thành phố. Số lượng heo buộc phải tiêu hủy là 79.563 con với tổng trọng lượng trên 4.600 tấn, ước tính kinh phí hỗ trợ thiệt hại gần 127 tỉ đồng.

Người chăn nuôi tái đàn sau bệnh dịch

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. UBND tỉnh chủ động bố trí hơn 148 tỉ đồng từ ngân sách địa phương để chi trả, hỗ trợ người chăn nuôi bị ảnh hưởng và công tác phòng, chống dịch. Đến nay, DTHCP đã được kiểm soát, 15/15 huyện, thị xã, thành phố đều công bố hết dịch.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng, việc tái đàn heo đang gặp khó khăn, nhất là nhu cầu về con giống. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều cơ sở sản xuất giống nên khó chủ động được nguồn cung, đồng thời cũng gây khó cho công tác kiểm soát chất lượng giống. Số lượng heo nái sinh sản hiện nay chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn nhưng đa phần những đơn vị này đều không bán heo con ra ngoài mà chỉ để nuôi. Còn các doanh nghiệp cung cấp giống chất lượng cao ở các tỉnh lân cận cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu tại chỗ, do vậy mà số lượng heo con trên thị trường không nhiều. Cùng với đó, giá heo con hiện ở mức rất cao (khoảng 130.000-140.000 đồng/kg), ước tính khoảng 3 triệu đồng/con (23-27kg/con), đó cũng là trở ngại không nhỏ cho người chăn nuôi trong thời điểm hiện tại.

Theo Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh - Lê Tấn Tài, trung tâm hiện có 223 con heo nái, trong đó có 136 con đang sinh sản và 87 con nái là hậu bị trong tổng đàn 816 con. Trung bình mỗi tháng, trung tâm xuất ra thị trường khoảng 200 con heo con. Ước tính khoảng 6 tháng sau, khi lứa hậu bị đã sinh sản, số lượng heo con xuất ra thị trường mỗi tháng sẽ tăng lên khoảng 350 con.

“Thời gian gần đây, lượng khách hàng đặt mua heo con tăng lên khá nhiều, một số người còn hỏi mua heo hậu bị. Tuy nhiên, trung tâm đang trong giai đoạn phục hồi số lượng heo sau khi đã giảm đàn do DTHCP nên chỉ bán heo con khi đủ cân nặng và không bán heo hậu bị” - ông Tài cho biết thêm.

Song song đó, một khó khăn lớn nữa của người chăn nuôi heo muốn tái đàn trong điều kiện hiện nay là nguồn vốn. Ông Lê Minh Xuân - người chăn nuôi heo tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, chia sẻ: “DTHCP gây thiệt hại gần như toàn bộ đàn heo của gia đình tôi. Số tiền được ngành chức năng hỗ trợ chỉ đủ thanh toán một phần nợ cho đại lý thức ăn. Hiện gia đình tôi đã khử trùng chuồng trại, chuẩn bị cho việc tái đàn. Tuy nhiên, nguồn vốn để bắt heo con vẫn chưa xoay được. Do đó, chuồng trại vẫn đang bỏ trống”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bến Lức - Lê Văn Nam thông tin, hiện DTHCP trên địa bàn huyện đã được kiểm soát. Tuy nhiên, việc tái đàn heo còn tiềm ẩn rủi ro do mầm bệnh còn lưu hành trong môi trường nên nguy cơ tái phát dịch. Cùng với đó, bệnh vẫn chưa có vắc-xin để phòng, nhiều hộ chăn nuôi chưa áp dụng triệt để biện pháp an toàn sinh học, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu và thiếu nước ngọt cho chăn nuôi đã làm giảm sức đề kháng của đàn heo.

“Trước tình hình này, Phòng NN&PTNT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh, tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi tái đàn theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn. Đồng thời, áp dụng triệt để các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học và khai báo khi phát hiện heo có triệu chứng lâm sàng của DTHCP” - ông Nam thông tin thêm.

Không nên tái đàn ồ ạt

Trước tình hình người dân muốn nhanh chóng tái đàn heo, Bộ NN&PTNT và ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân thận trọng, không nên ồ ạt, nếu muốn tái đàn phải đáp ứng đủ các yêu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học. DTHCP là bệnh rất nguy hiểm, có nguy cơ cao sẽ tái dịch do chưa có vắc-xin phòng ngừa. Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố kiểm soát sát sao việc tái đàn tại địa phương.

Nguồn heo giống khan hiếm sau dịch tả heo châu Phi

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh, hiện tại, tỉnh chỉ cho phép tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi chưa bị bệnh hoặc bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát và công bố hết DTHCP. Trong chăn nuôi, phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn sinh học; tuyên truyền các cơ sở chăn nuôi thận trọng khi tái đàn, khuyến khích sử dụng nguồn giống tại địa phương để chăn nuôi. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi heo để phòng, chống DTHCP như quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, xử lý chất thải,... để tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng. Sau khi đạt đủ các điều kiện, việc tái đàn heo cũng phải tiến hành theo lộ trình cụ thể. Theo đó, đối với các cơ sở chăn nuôi mới tái đàn chỉ được phép nuôi 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Sau 30 ngày nuôi sẽ lấy mẫu xét nghiệm, nếu cho kết quả âm tính với DTHCP mới được nâng dần số lượng heo nuôi theo năng lực của cơ sở. Việc tái đàn heo cũng chỉ được thực hiện khi cơ sở chăn nuôi có đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm các yêu cầu về an toàn sinh học, chủ động kiểm soát về con giống và nguồn thức ăn. Cơ sở chăn nuôi phải định kỳ thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi; hạn chế người không có nhiệm vụ ra, vào khu vực chăn nuôi; có biện pháp ngăn chặn các loại động vật khác xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi.

“Cùng với thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn, người chăn nuôi phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống và kiểm soát DTHCP. Các ban, ngành, địa phương tăng cường theo dõi, giám sát để xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh, tuyệt đối không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời, lực lượng thú y địa phương tập trung hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bằng các loại hóa chất, vôi bột theo quy định để tiêu diệt mầm bệnh. Khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo đảm an toàn cho đàn heo. Ngoài ra, người dân và các cơ sở chăn nuôi phải chấp hành nghiêm những quy định về việc vận chuyển heo con, heo thương phẩm ra, vào vùng có DTHCP” - bà Khanh khuyến cáo.

Có thể thấy, việc tái đàn heo sau DTHCP trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Do vậy, để tái đàn heo an toàn và hiệu quả, người chăn nuôi phải nâng cao ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh và thực hiện đúng theo những khuyến cáo của ngành chức năng./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết