Tiếng Việt | English

27/09/2019 - 08:38

Thành công với mô hình trồng gấc

Sau 5 năm “bén rễ” trên vùng đất Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An có người phá bỏ cây gấc vì hiệu quả không cao nhưng cũng có người giữ lại và thành công với mô hình này, điển hình là anh Nguyễn Hoàng Trung, ngụ ấp 5.

Anh Nguyễn Hoàng Trung thành công với mô hình trồng gấc

Anh Nguyễn Hoàng Trung thành công với mô hình trồng gấc

Con đường từ Quốc lộ 62 dẫn vào Khu dân cư Kênh 3, ấp 5, xã Tân Tây được tráng bêtông rộng rãi. Khu vực này chủ yếu trồng lúa, khoai mỡ, khóm nhưng vài năm nay, người dân còn trồng thanh long, ổi và gấc. Cây gấc được trồng từ năm 2014 với diện tích hơn 10ha. Lúc đó, phần lớn nông dân trồng gấc đều thất bại nên chuyển sang trồng loại cây khác.

Anh Trung kể, tháng 8/2014, lúc anh vừa xuất ngũ về địa phương, Hội Nông dân xã thực hiện chương trình hỗ trợ hội viên trồng gấc. Nông dân được cấp giống, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc. Nhưng khi cây lớn, tỷ lệ cho trái chỉ từ 20-30% nên nhiều hộ nản lòng, phá bỏ. “Gia đình tôi lúc đó trồng 1ha gấc. Thấy hiệu quả thấp, tôi đến nhiều nơi có trồng gấc và Viện Cây ăn quả miền Nam để tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục”.

Mỗi liếp, anh Trung trồng 2 hàng gấc và lắp 2 ống dẫn nước chạy song song để tưới mỗi ngày. Anh còn làm trụ bêtông, kéo dây cước làm giàn leo cho dây gấc. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch lần đầu khoảng 6 tháng. Mỗi năm, anh thu hoạch 23 tấn trái, bán giá thấp nhất 8.000 đồng/kg, cao nhất 28.000 đồng/kg nên thu nhập ổn định. Thấy hiệu quả, anh tiếp tục đầu tư thêm 0,8ha trồng gấc.

Bây giờ, trên địa bàn xã cũng có người làm theo mô hình trồng gấc và được anh tận tình hướng dẫn kỹ thuật. Ngoài ra, anh còn là đầu mối thu mua trái gấc để chuyển cho một cơ sở ở tỉnh Tây Ninh. Với ý chí của mình, anh Trung tìm tòi, học hỏi và thành công với cây gấc trên vùng Đồng Tháp Mười. Anh cũng là điển hình tiên tiến trong phong trào “Tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp” ở huyện Thạnh Hóa nhiều năm nay./.

Phú Nhuận

Chia sẻ bài viết