Tiếng Việt | English

28/08/2019 - 15:55

Thạnh Hóa: Chung sức xây dựng cầu giao thông nông thôn

Hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đều có hệ thống kênh, rạch chằng chịt nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Khi “ý Đảng, lòng dân” cùng chung một hướng, việc đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Một trong những địa phương điển hình trong việc vận động xây dựng cầu giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là xã Thủy Tây. Toàn xã có 70 cầu giao thông nông thôn cần được đầu tư xây dựng. Từ đầu năm 2019 đến nay, xã xây dựng được 5 cây cầu với tổng trị giá trên 1,1 tỉ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp ngày công và trên 240 triệu đồng.

Những cây cầu nông thôn trên địa bàn xã xây dựng được đông đảo người dân có tấm lòng thiện nguyện tham gia. Sự chung sức của mọi người cùng với sự đồng hành của mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp những cây cầu tạm, xuống cấp dần được thay thế. Cụ thể như cầu Tư Bé với chiều dài 22m, rộng 3m được thiết kế theo chuẩn nông thôn mới. Tổng trị giá xây dựng cầu trên 200 triệu đồng, trong đó, người dân đóng góp ngày công xây dựng trên 50 triệu đồng.

Những cây cầu mới được hình thành không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng mà còn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc

Những cây cầu mới được hình thành không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng mà còn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc

Ông Bùi Văn Tuội (92 tuổi, ấp 3, xã Thủy Tây) chia sẻ: “Cầu Tư Bé nhỏ, hẹp và được xây dựng trên 10 năm nay nên đã xuống cấp. Nhiều hộ dân trên địa bàn gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, hàng hóa làm ra khó tiêu thụ, bị thương lái ép giá, nhất là con em đi học rất vất vả và nguy hiểm.Đến nay, người dân vô cùng phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng cầu mới bằng bêtông, cốt thép.Vì vậy, dù tuổi cao nhưng tôi vẫn mong muốn góp chút công sức xây dựng công trình ý nghĩa này”.

Hay cầu Bảy Cao cũng được xây dựng theo chuẩn nông thôn mới, dài 27m, rộng 3m. Kinh phí xây dựng 219 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương và vận động xã hội hóa 120 triệu đồng, nhân dân đóng góp 99 triệu đồng. Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3, xã Thủy Tây - Bùi Thị Thu cho biết: “Ngoài đi đầu hưởng ứng xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, tôi còn phối hợp tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các công trình. Bởi, khi lòng dân đã thuận thì việc gì cũng xong”.

Để “về đích” xã nông thôn mới, từ nay đến cuối năm 2019, Thủy Tây triển khai xây dựng thêm 4 cầu giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đó là cầu giao thông nông thôn Cái Tôm - 2000 Nam; Rọc Cả Thơm; Tám Len ấp 4; 2000 Bắc - Cả Thơm. Chủ tịch UBND xã Thủy Tây - Nguyễn Văn Thiết cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi tích cực huy động mọi nguồn lực từ nhân dân và mạnh thường quân đóng góp thực hiện các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn, trong đó có cầu bêtông nông thôn. Từ đó, khơi dậy được sức dân và tạo được đồng thuận của cả cộng đồng trong xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn. Các công trình đều thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, dân tự bàn bạc, góp ý kiến, tự đứng ra góp công xây dựng và giám sát quản lý chất lượng công trình”.

Những cây cầu giao thông nông thôn vững chắc nối liền đôi bờ là minh chứng cho sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Những cây cầu mới được hình thành không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng mà còn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc.Qua đó, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, đồng thời góp phần nâng cao đời sống người dân./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết