Thanh toán tiền điện sinh hoạt như thế nào?
Theo luật Điện lực năm 2024, có hiệu lực từ ngày 01/02, điều 48 về việc thanh toán tiền điện theo hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt, được quy định như sau:
Tiền điện được thanh toán theo phương thức thanh toán do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện. Bên mua điện chậm trả tiền điện phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả cho bên bán điện tương ứng với thời gian chậm trả.
Lãi suất chậm trả do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất theo quy định của pháp luật về dân sự.
Bên bán điện thu thừa tiền điện phải hoàn trả cho bên mua điện, kể cả tiền lãi của khoản tiền thu thừa hoặc thỏa thuận với bên mua điện về việc bù trừ tiền điện thu thừa vào các lần thanh toán tiền điện sau.
![Thanh toán tiền điện theo luật mới thế nào?](https://www.baolongan.vn/image/news/2025/20250209/images/tien-dien-17390759038561036487482.png)
Trong thời gian yêu cầu xem xét lại tiền điện chưa được giải quyết, bên mua điện vẫn phải thanh toán tiền điện; bên bán điện không được ngừng cấp (ẢNH: PHẠM HÙNG)
Bên bán điện ghi chỉ số đo điện năng mỗi tháng 1 lần vào ngày ấn định, trừ trường hợp bất khả kháng có nguy cơ mất an toàn cho người lao động quy định trong hợp đồng mua bán điện. Cho phép dịch chuyển thời điểm ghi chỉ số đo điện năng trước hoặc sau 1 ngày so với ngày ấn định, hoặc dịch chuyển theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.
Thanh toán tiền điện theo hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Trường hợp các bên chậm trả hoặc thu thừa tiền điện thì có nghĩa vụ trả tiền tương ứng với thời gian chậm trả và lãi suất theo quy định của pháp luật về dân sự.
Xem xét lại số tiền điện phải thanh toán bằng cách nào?
Bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện xem xét lại số tiền điện phải thanh toán theo một trong các hình thức sau: trực tiếp tại đơn vị bán điện; dịch vụ bưu chính; phương tiện điện tử, hoặc hình thức khác do các bên thỏa thuận.
Khi nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của bên bán điện, bên mua điện có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải hoặc yêu cầu trọng tài, tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian yêu cầu của bên mua điện chưa được giải quyết, bên mua điện vẫn phải thanh toán tiền điện; bên bán điện không được ngừng cấp điện.
Theo khoản 4 điều 48, bên mua điện không trả tiền điện theo thỏa thuận tại hợp đồng và đã được bên bán điện thông báo về việc thanh toán tiền điện 2 lần cách nhau không dưới 3 ngày, thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện.
Thời điểm bên bán điện có quyền ngừng cấp điện do hai bên tự thỏa thuận và ghi rõ trong hợp đồng mua bán điện nhưng không vượt quá 10 ngày kể từ ngày bên bán điện có thông báo đầu tiên.
Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24 giờ và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.
Sau khi bên mua điện thanh toán tiền điện và thực hiện đầy đủ thủ tục đề nghị cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực, thì bên bán điện phải thực hiện cấp điện trở lại theo quy định của pháp luật về điện lực.
Ngoài ra, tại khoản 5 điều 48 quy định, hóa đơn thanh toán tiền điện được lập theo chu kỳ ghi chỉ số đo điện năng. Hình thức thông báo thanh toán tiền điện do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện.
Việc xác định tiền điện thanh toán trong trường hợp thiết bị đo đếm điện không chính xác so với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định, bên mua điện sử dụng điện trong thời gian thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng, làm cho công tơ điện ngừng hoạt động và bên mua điện sử dụng trong thời gian công tơ điện bị mất, được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công thương.
Khi nào mới bị ngừng, giảm mức cung cấp điện?
Tại khoản 1 điều 49, việc ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với khách hàng sử dụng điện phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng mua bán điện đã ký.
Bên mua điện và bên bán điện phải thỏa thuận, thống nhất các trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện và hình thức thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện trong hợp đồng mua bán điện.
Các trường hợp ngừng, giảm cung cấp điện bao gồm:
- Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, sự cố mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng cho người, trang thiết bị hoặc do thiếu nguồn điện đe dọa đến an toàn của hệ thống điện, bên bán điện được phép ngừng, giảm mức cung cấp. Phải thông báo tình trạng cấp điện và thời gian dự kiến cấp điện trở lại cho bên mua điện trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ngừng, giảm mức cung cấp điện.
- Khi có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng hoặc nhu cầu khác theo kế hoạch, bên bán điện có trách nhiệm thông báo cho bên mua điện biết trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất 5 ngày bằng hình thức thông báo được thống nhất trong hợp đồng mua bán điện.
- Không thanh toán tiền điện quy định tại khoản 4 điều 48 của luật này.
- Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của luật này hoặc quy định của luật khác và phải áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện theo quy định của luật đó.
Bộ trưởng Bộ Công thương quy định chi tiết về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.../.
Theo Báo Thanh Niên
Nguồn: https://thanhnien.vn/thanh-toan-tien-dien-theo-luat-moi-the-nao-185250209114943656.htm