Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Chiều 25/7, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao và Ban Dân vận Trung ương phối hợp tổ chức hội nghị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chủ trì hội nghị.
Cùng tham dự có các ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, lãnh đạo các đơn vị của hai cơ quan; đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ủy Ngoài nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đây là một những hoạt động nhằm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và quán triệt quan điểm chỉ đạo về đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII.
Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã trình bày báo cáo công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đem lại những đổi thay tích cực trong cộng đồng.
Cộng đồng 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng ổn định, hội nhập vào xã hội sở tại. Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được củng cố về mặt tổ chức, đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết cộng đồng, giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, là cầu nối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.
Hiện tại có khoảng 500 hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới, bao gồm các hội đoàn người Việt, hội doanh nhân, trí thức, sinh viên, hội đồng hương, các hội theo ngành nghề, sở thích, giới tính...
Trong thời gian gần đây xu hướng trở về quê hương lập nghiệp của kiều bào thế hệ trẻ cũng ngày càng tăng. Kiều bào đã thành lập các mạng lưới kết nối cộng đồng doanh nhân, trí thức trong và ngoài nước như: Mạng lưới kiều bào trẻ, Mạng lưới đổi mới sáng tạo… Cùng với vai trò, vị thế và kinh tế đất nước đi lên, cũng như sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như địa vị pháp lý chưa ổn định. Tình trạng tội phạm của người Việt Nam ở nước ngoài tại một số địa bàn có xu hướng tăng về số lượng, cũng như tính chất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam.
Công tác hội đoàn và chuyển giao thế hệ còn tồn tại nhiều vấn đề đồng thời, kiều bào cũng mong muốn Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các thế hệ người Việt ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, nổi bật là các vấn đề liên quan đến quốc tịch, chính sách thu hút nguồn lực kiều bào và vấn đề đại đoàn kết dân tộc.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao công tác thể chế hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW trong tình hình mới và Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW trong tình hình mới giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, bộ, ngành.
Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường triển khai Kết luận số 14-KL/TW ngày 11/11/2011 của Ban Bí thư về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở chủ trương này, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho kiều bào.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới, bà Trương Thị Mai đề nghị các bộ, ngành tập trung trao đổi các biện pháp cụ thể để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và phát huy vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tại hội nghị, ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, cũng đánh giá cao sự quan tâm, tham gia, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành; đặc biệt là trong việc xây dựng các chính sách đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của kiều bào liên quan đến các vấn đề như thường trú, xuất nhập cảnh, mua nhà, quốc tịch, đầu tư...
Phó Thủ tướng đánh giá, trong thời gian qua nhiều văn bản đã được ban hành thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho kiều bào. Nhờ đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày một gắn bó hơn với quê hương, kể cả thế hệ trẻ và trở thành nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới các bộ, ngành cần lưu ý giải quyết các vấn đề bà con kiều bào quan tâm. Cùng với đó, rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cống hiến tri thức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc nhập, trở lại quốc tịch. Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó hơn với đất nước.
Các đại biểu dự hội nghị đã tập trung trao đổi nhiều vấn đề kiều bào quan tâm nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc./.
Theo TTXVN