Huyện Đoàn Thạnh Hóa phối hợp thực hiện công trình Tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, trong đó có lắp đặt đèn năng lượng mặt trời trên địa bàn
xã Tân Hiệp
An toàn, tiết kiệm
Việc khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng mới trong hoạt động chiếu sáng các tuyến giao thông nông thôn được các ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm. Nhằm giúp các xã biên giới cũng như người dân tiết kiệm nguồn điện từ lưới điện quốc gia, Huyện Đoàn Thạnh Hóa phối hợp triển khai xây dựng công trình Tuyến đường "Sáng, xanh, sạch, đẹp" tại tuyến đường M1 (ấp 4, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An).
Phó Bí thư Huyện Đoàn Thạnh Hóa - Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết: “Để thực hiện công trình này, Huyện Đoàn phối hợp Đoàn Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Long An, Đoàn cơ sở Văn phòng UBND tỉnh vận động nhà hảo tâm thực hiện. Ngoài dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm hai bên tuyến đường M1 với chiều dài 5km, đoàn viên, thanh niên còn lắp đặt mới 20 bóng đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, treo mới cờ Tổ quốc và trồng 50 cây bằng lăng với tổng kinh phí gần 50 triệu đồng”.
Các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa được lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời, làm cho diện mạo nông thôn thêm khởi sắc
Đến nay, xã biên giới Tân Hiệp huy động sự đóng góp kinh phí của nhà hảo tâm, người dân lắp đặt được 530 trụ và bóng đèn năng lượng mặt trời. Tổng chiều dài 13km, tổng kinh phí 1,2 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp 600 triệu đồng. Các công trình đều được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ trên cơ sở của dân, lo cho dân, dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và dân thụ hưởng, nên tạo sự đồng thuận cao.
Ngoài ra, Huyện Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện tiếp nhận hỗ trợ 10 bộ bóng đèn năng lượng mặt trời của Cụm thi đua số 3 Quận Đoàn 11, TP.HCM và lắp đặt trên địa bàn xã Thuận Bình. Ngoài sự hỗ trợ của Huyện Đoàn, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân hỗ trợ kinh phí để lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời trên các tuyến đường nông thôn.
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đến nay, toàn xã có 6 tuyến đường giao thông nông thôn được lắp đặt 219 trụ và bóng đèn năng lượng mặt trời với chiều dài 10,7km, tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 190 triệu đồng. Hiện xã vận động người dân đóng góp kinh phí để nhân rộng việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng nguồn năng lượng sạch này tại các tuyến đường còn lại trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Trong (ấp Đồn A, xã Thuận Bình) chia sẻ: “Sử dụng đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời vừa tiết kiệm chi phí điện năng, vừa thân thiện với môi trường. Bởi vì, nếu sử dụng đèn điện cần phải đầu tư chi phí kéo đường dây điện rất lớn và hàng tháng, tổ trưởng phải đi gom tiền của các hộ để đóng tiền điện. Ngoài ra, tính an toàn của lưới điện không cao, phải thường xuyên kiểm tra và bảo trì, sửa chữa”.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Việc thắp sáng các tuyến đường giao thông nông thôn cũng được UBMTTQ Việt Nam xã An Thạnh, huyện Bến Lức huy động nguồn lực từ nhân dân và nhà hảo tâm thực hiện. Qua đó, từng bước giúp địa phương hoàn thiện tiêu chí xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức
Với mục tiêu lắp đặt hệ thống chiếu sáng phủ kín các xóm, ấp trên địa bàn, UBMTTQ Việt Nam xã và các tổ chức thành viên, hướng dẫn, chỉ đạo Ban công tác Mặt trận ấp vận động nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tham gia mô hình Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự, trong đó có lắp đặt hệ thống chiếu sáng. Đến nay, UBMTTQ Việt Nam xã vận động thực hiện được 15 công trình, có 300 trụ và bóng đèn led năng lượng mặt trời được lắp đặt ở các tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài hơn 9,4km, tổng kinh phí hơn 530 triệu đồng.
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã An Thạnh - Huỳnh Thanh Hải cho biết: “Việc thay thế đèn sử dụng từ lưới điện quốc gia sang đèn năng lượng mặt trời trong thắp sáng đường quê giúp địa phương tiết kiệm tiền điện hàng chục triệu đồng/năm. Đây là hoạt động ý nghĩa, phục vụ chiếu sáng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, giúp người dân đi lại thuận lợi, bảo đảm an ninh khu vực nông thôn, hạn chế tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội”.
Việc thực hiện các hoạt động, mô hình chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu chiếu sáng công cộng vào ban đêm. Đây là nguồn năng lượng xanh, giúp giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính đối với môi trường. Hoạt động này sẽ được các địa phương nhân rộng nhằm góp phần tiết kiệm một lượng điện lớn cho quốc gia và hạn chế được những tác động xấu do biến đổi khí hậu./.
Ngọc Mận