Tiếng Việt | English

25/02/2022 - 15:15

Thầy tại nhà, thuốc tại vườn

Quan tâm xây dựng, phát triển vườn thuốc mẫu để làm thuốc chữa bệnh và tuyên truyền người dân biết cách sử dụng “cây nhà lá vườn” trong điều trị một số bệnh thông thường theo phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn” là cách Hội Đông y các cấp trong tỉnh Long An đưa Đông y vào cuộc sống, qua đó, góp phần cùng ngành Y tế chăm sóc sức khỏe người dân.

Chủ tịch Hội Đông y tỉnh - Phạm Thị Đẹp bên vườn thuốc mẫu tại sân thượng của trụ sở Hội

Chủ tịch Hội Đông y tỉnh - Phạm Thị Đẹp bên vườn thuốc mẫu tại sân thượng của trụ sở Hội

Xây dựng, củng cố các vườn thuốc

Đưa chúng tôi đi tham quan và giới thiệu một số loại cây của vườn thuốc mẫu trên sân thượng tại trụ sở, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh - Phạm Thị Đẹp tự hào: “Để duy trì và phát triển vườn thuốc tại sân thượng hàng chục năm nay chẳng phải chuyện dễ dàng. Ban đầu, việc vận chuyển chậu, đất, phân và cây từ đất lên sân thượng cũng khó khăn. Thời điểm đó chưa lắp đặt hệ thống tưới nước tự động nên việc tưới nước cũng khá vất vả. Hiện nay, cây thuốc Nam sinh trưởng và phát triển xanh tốt. Vườn thuốc mẫu có 60/70 cây thuốc Nam theo danh mục quy định của Bộ Y tế”. Gần đây, Hội Đông y tỉnh đầu tư hệ thống tưới nước tự động, theo đó, mỗi ngày tưới nước 2 lần, đội ngũ cán bộ trong cơ quan luân phiên nhau chăm sóc, bón phân, vệ sinh vườn định kỳ.

Rời Hội Đông y tỉnh, theo lời giới thiệu của bà Đẹp, chúng tôi tìm đến vườn thuốc Nam mẫu tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc. Theo bà Đẹp, hiện tại, đây là một trong những vườn thuốc mẫu đẹp trên địa bàn tỉnh.

Nằm trong khuôn viên chùa Ông Đá, vườn thuốc mẫu rộng hàng ngàn mét vuông. Lương y Trần Văn Lộc cho biết, vườn có trên hàng trăm loại cây thuốc Nam, trong đó nhiều cây theo danh mục quy định của Bộ Y tế. Đạt được số lượng và chất lượng của cây thuốc như hiện tại là nhờ vào sự nỗ lực, cố gắng của cả tập thể. Để trồng thành công các cây thuốc quý như cà gai leo, cần sen, cây an xoa, xáo tam phân,... mọi người đã dành rất nhiều thời gian sưu tầm cây thuốc, nghiên cứu đặc tính để có hướng trồng và chăm sóc phù hợp.

Cũng theo ông Lộc, khi đã thuần hóa, nhân giống thành công các cây thuốc quý, Hội Đông y xã Mỹ Lộc sẵn sàng chia sẻ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho mọi người. Hàng trăm loại cây thuốc Nam xanh mướt, tươi tốt là minh chứng rõ nét cho tâm huyết của đội ngũ cán bộ, hội viên đặt vào vườn thuốc.

Gắn bó với vườn thuốc từ những ngày đầu, ông Huỳnh Văn Bảy chứng kiến bao sự đổi thay của nơi đây. Ông Bảy chia sẻ, trước đây, khoảng đất này khá hoang sơ, cán bộ, hội viên đã cùng nhau cải tạo. Vườn thuốc hình thành đã lâu nhưng từ năm 2020 đến nay được đầu tư trồng vườn thuốc mẫu. Từng ô thuốc được nhổ cỏ sạch sẽ, cắm bảng tên. Theo đó, trên mỗi bảng có đầy đủ thông tin về tên cây thuốc, tên khoa học, bộ phận dùng và công dụng.

Đưa cây thuốc Nam đến gần người dân

Chủ tịch Hội Đông y tỉnh - Phạm Thị Đẹp cho biết, năm 2021, các huyện, thị, thành hội vận động hội viên củng cố 311 vườn thuốc Nam nhằm tuyên truyền người dân biết sử dụng “cây nhà lá vườn” để trị một số bệnh thông thường theo phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn” và đưa Đông y vào cuộc sống. Qua đó, góp phần cùng ngành Y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân bằng Đông y. Ngoài ra, Hội còn phối hợp trạm y tế củng cố các vườn thuốc mẫu trong trạm có từ 40-60 cây thuốc theo danh mục của Bộ Y tế và cây thuốc quý có tại địa phương.

Song song đó, các cấp Hội trồng 16 vườn thuốc, mỗi vườn trên 3.000m2 , trồng hơn 200 loại dược liệu khác nhau như ngũ gia bì, dâu tằm ăn, ngũ trảo,... tại các huyện: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, Cần Đước và TP.Tân An để cung cấp thuốc Nam cho các phòng chẩn trị miễn phí trong tỉnh; đồng thời, trao đổi dược liệu với các tỉnh nhằm tạo nguồn thuốc dồi dào phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Lương y Trần Văn Lộc cho biết, cây an xoa là cây thuốc quý, một trong những công dụng của cây là rất tốt cho gan

Lương y Trần Văn Lộc cho biết, cây an xoa là cây thuốc quý, một trong những công dụng của cây là rất tốt cho gan

Nhờ được tuyên truyền, bà Nguyễn Thị Xuyến (phường 3, TP.Tân An) đã hiểu rõ được công dụng của cây càng cua. Bà Xuyến bộc bạch: “Cây càng cua khi ăn sống có vị chua, giòn. Thời gian qua, nhờ được tuyên truyền, tôi biết cây càng cua rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng thanh nhiệt, chữa viêm họng, khô cổ khản tiếng, đau nhức xương khớp, giải độc. Ngoài ra, một số loại dễ trồng như bạc hà, diếp cá, tía tô,... cũng mang nhiều công dụng tuyệt vời”.

Có thể thấy, cùng với trồng mới và củng cố các vườn thuốc Nam, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về cây thuốc Nam là việc làm quan trọng. Theo lương y Trần Văn Lộc, quanh vườn nhà của người dân có nhiều cây thuốc Nam rất tốt cho sức khỏe, có thể sử dụng để phòng và điều trị một số bệnh thông thường nhưng đa số mọi người chưa biết hết công dụng của chúng. Thông qua các vườn thuốc, đội ngũ lương y, những người am hiểu về Đông y sẽ tuyên truyền người dân hiểu đúng về lợi ích của cây thuốc Nam.

Mỗi loại cây đều có bảng tên, trên mỗi bảng có đầy đủ thông tin về tên cây thuốc, tên khoa học, bộ phận dùng và công dụng

Mỗi loại cây đều có bảng tên, trên mỗi bảng có đầy đủ thông tin về tên cây thuốc, tên khoa học, bộ phận dùng và công dụng

Chủ tịch Hội Đông y tỉnh - Phạm Thị Đẹp nhấn mạnh, thời gian qua, đội ngũ thầy thuốc Đông y luôn tâm huyết với nghề, chịu khó học tập, trao đổi kinh nghiệm, rèn luyện y đức, nâng cao y thuật, tận tâm phục vụ sức khỏe người dân. Cán bộ, hội viên tích cực tham gia vào công tác Hội, nhất là xây dựng phong trào Hội cơ sở, vận động người dân trồng và sử dụng thuốc Nam tại gia đình.

Thời gian tới, cán bộ, hội viên tiếp tục tuyên truyền cho người dân biết trồng và sử dụng cây thuốc Nam tại gia đình để phòng và trị một số bệnh thông thường, nhất là người dân ở các xã đăng ký xã tiên tiến y dược cổ truyền. Đồng thời, xây dựng thêm vườn thuốc mẫu trong Hội, chi hội xã, phường; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức Đông y - thuốc Nam - châm cứu cho hội viên;... ./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích