Nếu như 2 năm trước được giao nhiệm vụ phối hợp với tỉnh Bến Tre, Lâm Đồng tổ chức thi THPT quốc gia, thì năm nay, Trường Đại học Mở TP HCM được phân đến tỉnh Bình Thuận.
Năm 2018, tỉnh Bình Thuận có gần 11.800 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia với 26 điểm thi. Trong đó có 400 cán bộ, giảng viên Trường Đại học Mở TP HCM được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức, coi thi và giám sát tại 16 điểm thi phân bố đều ở các huyện.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị về tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, công tác phối hợp, tiền trạm hay khâu hậu cần đều được trường chuẩn bị chu đáo.
Công tác tập huấn cho 380 cán bộ, giảng viên cũng vừa được Trường Đại học Công nghệ TP HCM hoàn tất.
Ngày 23/6, nhà trường sẽ đưa cán bộ, giảng viên đến 17 điểm thi tại tỉnh Tiền Giang để làm quen môi trường thực tế trước khi bước vào kỳ thi từ ngày 24/6-27/6. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, công tác phối hợp với Sở GD-ĐT địa phương được tiến hành rất tốt nên đến thời điểm này cơ bản mọi thứ đã sẵn sàng cho kỳ thi lớn.
“Chúng tôi đã tiến hành tập huấn cho cán bộ coi thi để khi triển khai công tác coi thi có thể giúp đỡ và hỗ trợ cho thí sinh một cách tốt nhất cũng như tạo tâm lý thoải mái nhất cho thí sinh. Một trong những điều quan trọng nhất đó là cán bộ coi thi sẽ phải dặn dò thí sinh thật kỹ lưỡng để các em tránh trường hợp vi phạm quy chế thi", TS Nguyễn Quốc Anh cho biết.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là năm đầu tiên Trường Đại học Sư phạm TP HCM phải tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi tỉnh coi thi. Năm nay, nhà trường được giao phối hợp với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức kỳ thi quan trọng này trên địa bàn tỉnh. Hiện nhà trường đã chốt danh sách gần 500 cán bộ, giảng viên phục vụ công tác coi thi, giám sát, thanh tra cho kỳ thi sắp tới. Công tác tiền trạm cung đường, điểm thi, nơi ăn chốn ở các cán bộ, giảng viên tại các huyện đã được nghiên cứu kỹ và triển khai nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng kỳ thi.
Thạc sĩ Phương Diễm Hương, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng Trường Đại học Sư phạm TP HCM cho biết do năm đầu tiên đi tỉnh coi thi nên nhà trường phải tiến hành khâu chuẩn bị, tập huấn từ rất sớm để hạn chế thấp nhất sai sót.
“Khi đi coi thi ở tỉnh, nhà trường gặp một số khó khăn nhất định bởi vì chúng tôi vừa phải thực hiện công tác thường xuyên của mình vừa phải hoàn thành tốt nhiệm vụ tại kỳ thi này. Tuy nhiên, quan điểm của nhà trường là sẽ vượt qua tất cả khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ do Bộ GD-ĐT giao".
Cũng có số lượng cán bộ, giảng viên tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi khá lớn nên công tác tập huấn, tiền trạm đã được Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM chuẩn bị suốt nhiều tháng nay.
Năm 2018, nhà trường được giao nhiệm vụ phối hợp với tỉnh Tây Ninh tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tại tỉnh này. Vì số lượng thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi Trung học phổ thông tại tỉnh Tây Ninh năm nay tăng nên trường phải cử gần 450 cán bộ, giảng viên phục vụ cho công tác coi thi, giám sát, thanh tra.
Theo Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM, đến nay, mọi thứ đã sẵn sàng.
“Từ những vấn đề liên quan đến phân bổ phòng ốc đến kiểm tra cơ sở vật chất đã hoàn tất. Chúng tôi đã thực hiện công tác kiểm tra cơ sở vật chất 3 lần để đảm bảo công tác chuẩn bị tốt nhất cho thí sinh trong quá trình thi. Những công tác chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ, giảng viên coi thi đã hoàn tất và nhà trường cũng đã có phương án di chuyển giáo viên lên địa điểm coi thi", Ths Sơn cho biết thêm.
Mặc dù phải thay đổi địa bàn coi thi với khá nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt, đi lại nhưng các đại học lớn tại TP HCM vẫn quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao nhằm mang lại một kỳ thi an toàn, nghiêm túc và tiết kiệm nhất cho thí sinh các tỉnh, thành./.
Mỹ Dung/VOV.VN