Tiếng Việt | English

07/11/2016 - 16:42

Thị trấn Tân Hưng ngày mới

Không còn đường đất đỏ như trước, những con phố nội ô thị trấn Tân Hưng, tỉnh Long An bây giờ đều nhựa hóa phẳng phiu. Hạ tầng điện, đường, trường học, bệnh viện, khu hành chính,... mang đến cho thị trấn Tân Hưng diện mạo mới.

Tân Hưng thay “Áo mới”

Là người gắn bó với mảnh đất thị trấn Tân Hưng khá lâu, ông Lê Minh Cảm, 51 tuổi, ở khu phố Gò Thuyền biết rõ những “thăng trầm” ở nơi đây. Vì thế, khi thị trấn chuyển mình, ngày càng phát triển, ông rất phấn khởi. Ông nói rằng: “Con đường Phạm Ngọc Thạch từ đường kênh 79 vào thị trấn Tân Hưng trước đây là đường đất nhỏ hẹp nhưng bây giờ được mở rộng, nhựa hóa nên đi lại dễ dàng. Ngoài tuyến đường này, những tuyến đường nội ô thị trấn được trồng cây xanh khá đẹp. Vì thế, diện mạo thị trấn phần nào mang dáng dấp đô thị”.


Diện mạo thị trấn Tân Hưng hôm nay

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Tân Hưng - Nguyễn Văn Dũng, nhờ sự đầu tư của tỉnh, huyện và các nguồn lực khác nên hệ thống hạ tầng ở thị trấn phát triển như hôm nay. Trong đó, khu A ở khu phố Rọc Chanh được đầu tư xây dựng với khu hành chính khang trang, mang lại cho thị trấn vẻ đẹp năng động, hiện đại. Ngoài ra, khu B ở khu phố Gò Thuyền được đầu tư một số tuyến đường nhựa, xóa dần những con đường đất đỏ, nhỏ hẹp ở thị trấn.

Cầu kênh 79 được nâng cấp, cầu Huyện Đội đang trong quá trình thi công. Hầu hết gia đình đều có điện thắp sáng, dùng nước hợp vệ sinh và có phương tiện nghe, nhìn nên đời sống tinh thần được đáp ứng và nâng lên.

Cùng với diện mạo đổi thay, đời sống người dân ở thị trấn mỗi ngày một nâng chất. Hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm chăm lo, dần có cuộc sống ổn định. Ông Hà Văn Kỵ, ở khu phố Rọc Chanh là một trong những hộ được hỗ trợ thoát nghèo bền vững. Nhà có 0,5ha đất trồng 2 vụ lúa/năm, nhưng trước đây, điệp khúc “mất mùa” cứ lặp đi, lặp lại nên cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn. “Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân thị trấn, tôi mua 2 con bò về nuôi, đến nay, đàn bò lên đến 8 con. Tận dụng khoảng đất trống, tôi trồng hoa màu, mít, xoài để có thêm thu nhập. Giờ đây, cuộc sống gia đình tôi ổn định” - ông Kỵ chia sẻ.

Những đổi thay của thị trấn Tân Hưng hôm nay là kết quả của một chặng đường dài, trong đó, nổi bật và đột phá nhất là giai đoạn 2010-2015 từ lúc phát động, được công nhận và nâng chất thị trấn văn hóa.

Xây dựng thị trấn văn minh đô thị

Từ những “trái ngọt” của thị trấn văn hóa, thị trấn Tân Hưng nâng tầm, hướng đến xây dựng thị trấn văn minh đô thị. Ông Nguyễn Văn Dũng thông tin: “Sau 5 năm được công nhận thị trấn văn hóa (2010-2015), vừa qua, thị trấn Tân Hưng được phúc tra công nhận thị trấn văn minh đô thị nhưng chỉ có 89 điểm nên chưa đạt. Vì vậy, cuối năm 2016, thị trấn làm lễ phát động xây dựng thị trấn văn minh đô thị giai đoạn 2016-2018”.


Đời sống người dân nâng cao, hộ nghèo giảm từ việc xây dựng thị trấn văn hóa (Trong ảnh: Ông Hà Văn Kỵ được hỗ trợ vốn chăn nuôi bò nên cuộc sống ổn định)

Trên đường xây dựng thị trấn văn minh đô thị, ngoài giữ vững, nâng chất những tiêu chí đã đạt, thị trấn Tân Hưng khắc phục những hạn chế, tồn tại. “Đó là tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường và một số hộ dân chưa nâng cao nhận thức tham gia bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, một số nền nhà bỏ hoang làm ảnh hưởng đến diện mạo đô thị. Ở thị trấn chưa được đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng, điểm sinh hoạt ở các khu phố chưa thường xuyên” - ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Để đạt mục tiêu đề ra, không những chú trọng công tác tuyên truyền, Đảng bộ, chính quyền thị trấn đẩy mạnh phát triển KT-XH bằng nhiều hình thức theo hướng nâng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 60 triệu đồng/năm. Trong đó, tập trung tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay, định hướng đầu tư sản xuất, kinh doanh bền vững. Ngoài ra, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được xem là cốt lõi của việc xây dựng thị trấn văn minh đô thị cũng sẽ được nâng chất trong thời gian tới.

Xây dựng thị trấn văn minh đô thị là một hành trình dài cần sự hợp lực của hệ thống chính trị và người dân địa phương. Ngoài những nguồn lực đầu tư “phần cứng”, ngay từ lúc này, những tiêu chí “mềm” như chuẩn mực, hành vi ứng xử văn hóa, văn minh của người dân dù là nhỏ nhưng sẽ trở thành nếp sống để thực hiện thành công thị trấn văn minh đô thị./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết