Tiếng Việt | English

01/06/2023 - 15:01

Thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng: Bộ Y tế nói vướng quy định mua sắm

Ngày 1-6, Bộ Y tế thông tin về các đề xuất Chính phủ tháo gỡ cơ chế mua sắm, đảm bảo cung ứng đủ vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong đó, Bộ Y tế nêu rõ lý do thiếu vắc xin và đề xuất cơ chế đặt hàng.

Trẻ tiêm chủng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN

Vướng quy định dẫn đến thiếu vắc xin tiêm chủng mở rộng

Bộ Y tế cho hay đến nay đã nhận được văn bản của 16 tỉnh, thành phố báo cáo khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện mua sắm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Các vướng mắc chủ yếu tập trung vào việc mua sắm vắc xin như: việc bố trí kinh phí của địa phương; việc tham khảo giá mua sắm và tổ chức thực hiện… và đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc thực hiện đàm phán giá các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tuy nhiên, theo quy định khi kết thúc Chương trình mục tiêu y tế - dân số và chuyển về nhiệm vụ thường xuyên của ngân sách địa phương thì trách nhiệm địa phương phải thực hiện từ năm 2023.

Bộ Y tế nêu rõ theo cơ chế đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá, Bộ Y tế thực hiện mua sắm với các loại thuốc lao, thuốc ARV và vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin 5 trong 1) và có thể tiếp tục thực hiện.

Đối với 9 loại vắc xin sản xuất trong nước, do các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước là doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu theo quy định.

Như vậy Bộ Y tế không thể thực hiện đấu thầu tập trung đối với vắc xin sản xuất trong nước theo đề nghị của các địa phương.

Trong khi đó nếu cung ứng vắc xin theo cơ chế đặt hàng, theo quy định khi nhiệm vụ mua vắc xin được chuyển về địa phương thì thẩm quyền đặt hàng của địa phương.

Theo quy định này, Bộ Y tế không có thẩm quyền đặt hàng cũng như xác định giá đặt hàng. 

Trước đó bộ đặt hàng 9 loại vắc xin sản xuất trong nước do được giao kinh phí ngân sách trung ương nên có thẩm quyền đặt hàng.

Bộ Y tế đề xuất cơ chế mua vắc xin

Bộ Y tế nêu rõ với các quy định hiện nay, bộ này không thể đấu thầu các loại vắc xin sản xuất trong nước cho các địa phương.

Để mua theo phương thức đặt hàng, các địa phương đăng ký nhu cầu, thực hiện ủy quyền cho bộ đặt hàng.

Bộ sẽ căn cứ vào số lượng, nhu cầu, thông báo cho các cơ sở sản xuất để xây dựng phương án giá đặt hàng tính đủ các yếu tố chi phí. Bộ sẽ tổng hợp phương án giá, gửi Bộ Tài chính để thẩm định; các địa phương căn cứ vào số lượng đã đăng ký, giá được duyệt, thực hiện ký hợp đồng mua và thanh toán trực tiếp cho đơn vị sản xuất.

"Để thực hiện phương thức đặt hàng này cần sửa đổi, bổ sung nghị định số 177/2013/NĐ-CP; nghị định số 149/2016/NĐ-CP và nghị định 32/2019/NĐ-CP. Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, việc sửa các nghị định sẽ mất rất nhiều thời gian, không đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay.

Vì vậy Bộ Y tế đề xuất phương án hai là ban hành nghị quyết của Chính phủ, cho phép Bộ Y tế thực hiện cơ chế đặt hàng đối với vắc xin sản xuất trong nước trong chương trình tiêm chủng mở rộng", bộ nêu rõ.

Đối với vắc xin nhập khẩu, hiện có 3 loại là vắc xin bại liệt, vi rút Rota và vắc xin 5 trong 1. Bộ Y tế đề xuất phương án mua vắc xin theo hình thức đàm phán giá sau khi thông báo cho địa phương đầy đủ thông tin, mức giá kê khai để địa phương lựa chọn, đăng ký nhu cầu.

Bộ Y tế cần phát huy vai trò đầu ngành

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho hay liên quan đến vấn đề Bộ Y tế nêu lý do Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho bộ mua vắc xin tiêm chủng mở rộng, bà Lan cho rằng "vấn đề này không liên quan".

Bà khẳng định Bộ Y tế với tư cách là cơ quan chuyên môn và quản lý nhà nước về mặt y tế cao nhất vẫn có thể "thay mặt các địa phương" đứng ra làm chủ đầu tư đấu thầu đảm bảo về giá, chất lượng của nhà cung cấp.

Các địa phương sẽ căn cứ vào đây để bố trí nguồn ngân sách mua vắc xin tiêm chủng mở rộng. Bà đề nghị Bộ Y tế phải phát huy vai trò của mình, ít nhất trong việc đàm phán giá.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích