Tiếng Việt | English

22/09/2021 - 19:29

Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân của Australia khiến Đông Nam Á như “ngồi trên lửa”

Indonesia và Malaysia đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Australia đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh. Ngay cả Singapore – đối tác đáng thân thiết nhất của Australia cũng bày tỏ lo ngại.

Việc Mỹ, Anh và Australia thông báo thành lập liên minh chiến lược AUKUS, với thỏa thuận hỗ trợ Australia phát triển hạm đội tàu ngầm hạt nhân, đã khiến nhiều quốc gia bất ngờ. Quan hệ hợp tác quân sự sâu rộng giữa 3 nước nói trên được cho là sẽ có những tác động đối với sự cân băng chiến lược tại châu Á nhưng cũng khiến một số quốc gia Đông Nam Á không khỏi lo âu.   


Tổng thống Mỹ Joe Biden (ở giữa), Thủ tướng Austrlia - Scott Morrison (bên trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson trao đổi qua cuộc họp trực tuyến ngày 15/9. Ảnh: Bloomberg

Lo ngại nguy cơ phát triển vũ khí hạt nhân

Indonesia và Malaysia đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Australia đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh. Ngay cả Singapore – đối tác thân thiết nhất của Australia cũng bày tỏ lo ngại.

Cuộc khủng hoảng tại Afghanistan đã để lại ấn tượng tồi tệ cho nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một số người đang tự hỏi liệu việc thông báo thỏa thuận thành lập liên minh AUKUS có phải nhằm mục địch thể hiện sức mạnh của Mỹ trong khu vực để trấn an các đồng minh và đối tác hay không?

Có nhiều nguyên nhân khiến Malaysia, Indonesia và một số quốc gia thành viên khác của ASEAN lo lắng về thỏa thuận nói trên. Trước hết, nhiều nước trong số này cho rằng, việc đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể dẫn tới triển vọng phát triển vũ khí hạt nhân trong tương lai. Australia không tham gia Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW). Hiệp ước cấm sử dụng, phát triển, sản xuất, thử nghiệm, dự trữ và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Chính phủ của Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, hiệp ước này không phù hợp với liên minh giữa Canberra với Mỹ vốn được coi là một cường quốc hạt nhân.

Tuy vậy, Australia đã phê chuẩn Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 1973 và Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện vào năm 1998. Tuần trước, Thủ tướng Morrison cho biết, nước này “không có kế hoạch” theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Nhưng một số nước trong ASEAN cho rằng, thỏa thuận AUKUS là tín hiệu rõ ràng chứng tỏ phương Tây sẽ theo đuổi lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc bằng cách lôi kéo Australia vào câu lạc bộ hạt nhân. Bên cạnh đó là mối lo AUKUS sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chạy đua vũ trang

Theo giới phân tích, sự ra đời của AUKUS là nhằm đối phó với những nỗ lực hiện đại hóa và mở rộng năng lực hạt nhân của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Liên minh này phản ánh quan điểm của các nhà hoạch định chính sách đối ngoại ở phương Tây cho rằng, hành động mà Bắc Kinh thực hiện là thách thực trực tiếp đối với ảnh hưởng của Mỹ, Anh trong khu vực và do đó cần phải được ngăn chặn.

Tuy nhiên, việc thành lập liên minh AUKUS cũng có những mặt trái. Để đối phó với Mỹ và các đồng minh phương Tây, Trung Quốc sẽ ngày càng phát triển khả năng quân sự của mình. Điều đó sẽ dẫn đến một tình huống rất giống cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Khi các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc và phương Tây tranh cãi với nhau chứ không tham gia vào một cuộc đối thoại mang tính xây dựng, căng thẳng có thể gia tăng. Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, thay vì tiếp xúc với Trung Quốc để giải quyết vấn đề mà Mỹ cho là “hành động thương mại thiếu công bằng, Washington đã đánh thuế hàng loạt đối với hàng hóa nhập khẩu của Bắc Kinh, dẫn đến cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Một số nhà bình luận cho rằng, hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ tấn công nhau vì sợ sẽ tiêu diệt lẫn nhau. Nhưng đánh giá này đang bỏ qua một thực tế là đôi khi con người  đưa ra các quyết định dựa trên cảm xúc thay vì lý trí. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 cùng những sự cố từng khiến Nga và Mỹ suýt phát động các cuộc tấn công hạt nhân chống lại nhau, là ví dụ về điều này. Xung đột là kết quả của một loạt tính toán sai lầm và sự hiểu nhầm ý định của nhau, chứ không hoàn toàn xuất phát từ một mối đe dọa thực sự do các bên gây ra. 

Việc đưa ra phản ứng phòng thủ trước tham vọng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là điều dễ hiểu, nhưng nó có nguy cơ tạo ra cái gọi là “tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh”. Đây là tình huống mà một bên cố gắng cải thiện khả năng quân sự của minh do lo lắng về vấn đề an ninh. Nhưng thay vì giải quyết vấn đề an ninh, lại làm leo thang xung đột với các bên khác, dẫn đến hậu quả không mong muốn.

Xung đột tiềm ẩn trên Biển Đông

Thỏa thuận mới cũng cho thấy, Anh, Australia và Mỹ xem Biển Đông là một khu vực quan trọng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Theo giới phân tích, các tàu ngầm hạt nhân của Australia có khả năng thay đổi cán cân quân sự ở Biển Đông, khiến Bắc Kinh lo lắng nhiều hơn. 

Căng thẳng vốn không phải điều xa lạ ở Biển Đông – nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ diện tích tuyến hàng hải nhộn nhịp và quan trọng bậc nhất thế giới này.  Đã có rất nhiều vụ đụng độ giữa Hải quân Trung Quốc và các lực lượng của Mỹ, cũng như giữa các tàu hải cảnh của Trung Quốc với tàu thuyền của một số nước thành viên ASEAN ở Biển Đông. Ngay cả khi chưa có thỏa thuận AUKUS, các nước ASEAN đã lo ngại về sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh đang diễn ra ở sân sau của mình.

Ở khía cạnh công khai, hầu hết chính phủ các nước Đông Nam Á bày tỏ sự không hài lòng với AUKUS, nhưng vẫn có một trường phái nhận định, các nước theo đuổi quan điểm cứng rắn trong khu vực có thể chấp nhận thỏa thuận này trong dài hạn vì nó giúp kiềm chế hành vi gây hấn của Trung Quốc.

Nhiều người cho rằng, cán cân quyền lực đã nghiêng quá nhiều về Bắc Kinh trong một thập kỷ qua, đặc biệt sau khi Trung Quốc tăng cường triển khai các hoạt động quân sự trên Biển Đông, sử dụng tàu hải cảnh để bảo vệ tàu cá tại các vùng biển tranh chấp, ban hành những luật lệ gây tranh cãi như luật Hải cảnh hay quy định buộc tàu nước ngoài phải khai báo thông tin khi đi vào khu vực mà Bắc Kinh tự ý cho là "lãnh hải" của nước này. Vì thế bất cứ động thái nào nhằm nhắc nhở Trung Quốc rằng nước này không có quyền làm những điều mình muốn ở Biển Đông, cũng có thể được xem là tích cực.  

Nhật Bản và Hàn Quốc rõ ràng đang có cách tiếp cận như vậy và phản ứng im lặng của hai nước này trước việc thành lập liên minh AUKUS cho thấy họ ủng hộ “sự tái cân bằng” trong khu vực.

Mặc dù các nước thành viên ASEAN hoan nghênh Mỹ như cường quốc có ảnh hưởng lớn trong khu vực để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng họ hiểu rằng xung đột sẽ là thảm họa đối với mình. Từ trước đến nay Đông Nam Á luôn tìm cách tránh bị liên đới trong một cuộc chiến giữa các cường quốc. Tuy nhiên, mục tiêu này ngày càng khó thực hiện khi Mỹ và Trung Quốc không ngừng gia tăng cạnh tranh quyền lực về mọi mặt./.

Hồng Anh/VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết