Tiếng Việt | English

07/12/2022 - 11:12

Thoát nghèo nhờ mô hình kinh tế hiệu quả

Nhờ dám nghĩ, dám làm trong lựa chọn, thực hiện mô hình kinh tế phù hợp, mang lại hiệu quả cao, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Long An vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, các cấp, các ngành, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, sản xuất; đồng thời, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo được địa phương tích cực triển khai như hỗ trợ vốn vay, dạy nghề, tạo việc làm, đa dạng hóa sinh kế, cung ứng vật tư nông nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất,... Qua đó, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vợ chồng chị Trần Thị Trúc Linh nuôi dê sinh sản để phát triển kinh tế gia đình

Trước đây, gia đình anh Trần Minh Phụng và chị Trần Thị Trúc Linh (ấp Cầu Hàng, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) có thu nhập thấp, nhiều năm liền nằm trong danh sách hộ cận nghèo của xã. Khi lập gia đình, anh Minh Phụng được cha mẹ cho mảnh đất nhỏ để xây nhà. Nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu từ việc làm thuê, làm mướn nên vợ chồng anh chỉ có thể dựng tạm căn nhà lá đơn sơ để che mưa, che nắng. Cuộc sống ngày càng khó khăn khi con trai đầu lòng chào đời. Trước hoàn cảnh khó khăn của anh chị, UBND xã An Lục Long vận động mạnh thường quân hỗ trợ 50 triệu đồng, xây tặng căn nhà tình thương, giúp gia đình anh Minh Phụng an cư, lạc nghiệp.

Hôm chúng tôi đến, chị Trúc Linh đang cắt cỏ cho dê ăn. Chị Trúc Linh chia sẻ: “Từ lâu, vợ chồng tôi có ý định nuôi dê sinh sản để phát triển kinh tế gia đình nhưng không có vốn. Nhờ được quan tâm hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, vợ chồng tôi quyết định mua 2 con dê về nuôi. Hiện nay, dê mẹ đã sinh sản được 1 con dê con và phát triển khỏe mạnh. Từ đó, giúp vợ chồng tôi có thêm nghị lực phấn đấu, vượt qua khó khăn”.

Đầu năm 2022, bà Đoàn Thị Xã được Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Thạnh Trung (TP.Tân An) vận động mạnh thường quân hỗ trợ nguồn vốn 25 triệu đồng để nuôi bò vỗ béo

Gia đình không có đất đai, không vốn sản xuất nhưng bà Đoàn Thị Xã (ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) luôn nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Kinh tế gia đình bà Xã chủ yếu dựa vào tiền đi làm hồ của con trai nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2022, gia đình bà Xã được Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Thạnh Trung hỗ trợ nguồn vốn 25 triệu đồng để nuôi bò vỗ béo. “Thời gian qua, gia đình tôi nhận được sự quan tâm của Hội Cựu chiến binh xã, hỗ trợ của chính quyền địa phương và mạnh thường quân. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình từng bước ổn định. Tôi phấn đấu thoát khỏi hộ cận nghèo vào cuối năm 2022” - bà Xã bày tỏ.

Với sự nỗ lực và tinh thần vượt khó, gia đình anh Hồ Hoài Lợi (ấp 1, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) thoát khỏi hộ nghèo từ nhiều năm qua và đang vươn lên làm giàu chính đáng. Thời gian qua, nhờ các nguồn vốn vay của Nhà nước, gia đình anh có điều kiện thực hiện hiệu quả mô hình chăn nuôi, buôn bán bò và heo sinh sản, vỗ béo; heo thịt; bò thịt. Anh Hoài Lợi chia sẻ: “Muốn thoát nghèo bền vững, bản thân phải nỗ lực vươn lên. Nhờ chi tiêu hợp lý, tiết kiệm nên kinh tế gia đình tôi khá hơn trước, có điều kiện nuôi các con đang tuổi ăn, tuổi lớn”.

Bằng ý chí, nghị lực vượt khó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo lựa chọn những mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Qua đó, không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần giúp các địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết