Dịp Tết Nguyên đán, khu vực Bắc Bộ trời tiếp tục rét đậm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 27/1-2/2 (từ đêm 27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), Bắc Bộ, Bắc, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên có sương mù, trời rét.
Khu vực Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi Bắc Bộ rét hại, vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối với nhiệt độ có nơi dưới 3 độ C. Nam Trung Bộ và Nam Bộ ngày nắng.
Cụ thể, từ đêm 27/1 đến ngày 30/1 (từ đêm 28 tháng Chạp đến mùng 2 Tết), Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù, trưa chiều trời nắng, trời rét đậm; vùng núi Bắc Bộ rét hại, vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.
Nhiệt độ thấp nhất từ 9-12 độ C, vùng núi Bắc Bộ từ 6-11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 17-21 độ C, vùng núi có nơi từ 13-15 độ C; riêng ngày 30/1 là 20-24 độ C, vùng núi Bắc Bộ có nơi từ 15-17 độ C.
Từ ngày 31/1 đến ngày 2/2 (mùng 3 đến mùng 5 Tết) có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; riêng khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ đêm và sáng sớm khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù, đêm và sáng trời rét.
Nhiệt độ thấp nhất từ 13-19 độ C, vùng núi Bắc Bộ có nơi dưới 13 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 23-26 độ C. Khu vực Trung Trung Bộ từ đêm 27 đến ngày 28/1 (từ đêm 28 tháng Chạp đến 29 Tết) có mưa, mưa rào rải rác, trời rét, phía Bắc có nơi rét đậm.
Nhiệt độ thấp nhất từ 15-18 độ C, phía Bắc có nơi dưới 15 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 18-23 độ C. Từ ngày 29/1 đến ngày 2/2 (từ mùng 1 đến mùng 5 Tết) có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù, trưa chiều trời nắng.
Nhiệt độ thấp nhất từ 16-20 độ C, riêng đêm 29/1 (mùng 1 Tết) phía Bắc từ 13-16 độ C. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc từ 22-25 độ C, từ ngày 31/1 (mùng 3 Tết) từ 25-29 độ C.
Khu vực Nam Trung Bộ từ đêm 27/1 đến ngày 2/2 (từ đêm 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) đêm có mưa vài nơi, ngày nắng. Nhiệt độ thấp nhất từ 20-24 độ C, phía Nam có nơi trên 24 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 25-30 độ C, phía Nam có nơi trên 30 độ C.
Khu vực Tây Nguyên từ đêm 27/1 đến ngày 2/2 (từ đêm 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) ít mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng.
Nhiệt độ thấp nhất từ 14-18 độ C, có nơi dưới 14 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 26-30 độ C, có nơi trên 30 độ C.
Khu vực Nam Bộ từ đêm 27/1 đến ngày 2/2 (từ đêm 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) không mưa, sáng sớm có sương mù nhẹ, ngày nắng.
Nhiệt độ thấp nhất từ 20-25 độ C, miền Đông có nơi dưới 20 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 29 - 33 độ C, có nơi trên 33 độ C.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới, không khí lạnh có thể tiếp tục tăng cường, ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ; Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, vùng núi Bắc Bộ rét hại; Trung Trung Bộ trời rét.
Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 9-12 độ C, vùng núi Bắc Bộ từ 6-8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C có khả năng xảy ra băng giá, sương muối.
Băng giá xuất hiện từ đêm 26/1 tại các đỉnh Trống Páo Sang, Khau Phạ và Kháu Nha thuộc xã La Pán Tẩn; đỉnh Lùng Cúng thuộc xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). (Ảnh: TTXVN phát)
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất đối với sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe và sinh kế của người dân, đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu thị trường trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động theo dõi sát tình hình và dự báo thời tiết; tuyên truyền, vận động, phổ biến cho người dân các phương pháp, kỹ năng phòng, chống rét an toàn, hiệu quả, đặc biệt chú ý chống rét và các diễn biến thời tiết khắc nghiệt khác cho người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế... (không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người); phòng, chống cháy nổ khi sưởi ấm.
Đồng thời, kịp thời cung cấp thuốc men, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân ốm vì rét mà không tiếp cận được dịch vụ y tế và chữa trị trong dịp Tết Nguyên đán.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất, kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại, có sương muối, các đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn nông dân có biện pháp chống rét cho các diện tích mạ Xuân, không gieo trồng trong những ngày giá rét, nhiệt độ xuống thấp; không chăn thả, không cho trâu, bò cày bừa khi xảy ra rét đậm, rét hại.
Đồng thời, vận động người dân chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh cũng như thức ăn tinh cho gia súc, đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc trong vụ Đông-Xuân.
Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo, hướng dẫn nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm sức khỏe cho người, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
Các bộ, ngành liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo công tác phòng, chống rét hiệu quả.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thoi-tiet-dip-tet-bac-bo-ret-dam-ret-hai-nam-trung-bo-va-nam-bo-nang-dep-post1009577.vnp