Tiếng Việt | English

08/03/2019 - 14:24

Thu mua và tiêu thụ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2018: Doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận vốn

Sáng 08/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Văn Cảnh chủ trì Hội nghị Trao đổi, bàn giải pháp thu mua và tiêu thụ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh với sự tham dự của trên 60 đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Văn Cảnh chủ trì hội nghị 

Tính đến nay, toàn tỉnh thu hoạch 124.384ha (chiếm 54% diện tích gieo sạ). Kể từ khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long thì giá lúa gạo đã tăng nhẹ từ 100 – 300 đồng/kg.

Hiện việc thu mua, tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do một số doanh nghiệp chưa tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng, đầu ra không ổn định và lượng hàng tồn kho trong doanh nghiệp khá lớn, ước khoảng 157.483 tấn lúa (khoảng 53.531 tấn gạo). Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong việc tiếp tục triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo.

Theo Giám đốc Công ty xuất khẩu gạo Dương Vũ (huyện Thủ Thừa) – Nguyễn Quang Hòa, hiện nay, thị trường xuất khẩu gạo siết chặt hơn, quy định về những rào cản kỹ thuật, thuế quan,… nhất là thị trường Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ hơn nên sản lượng doanh nghiệp xuất khẩu theo đường tiểu ngạch giảm. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về vốn kinh doanh nên ảnh hưởng đến sản lượng gạo xuất khẩu.

Các đại biểu thảo luận giải pháp thu mua, tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân 2018 - 2019

Trước tình hình trên, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Long An – Lê Thị Mỹ Hiền cho biết, nhằm giải quyết khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Long An yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thu mua lúa, gạo; đồng thời, tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, tăng khả năng tiếp cận vốn và xem xét hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo điều kiện để doanh nghiệp thu mua lúa, gạo cho người dân vụ Đông Xuân và những vụ mùa sắp tới.

Tại hội nghị, phần lớn đại biểu cho rằng, bên cạnh các giải pháp trước mắt thì thời gian tới, các địa phương cần hình thành các Chi hội gạo nhằm tăng cường tính liên kết, hợp tác của doanh nghiệp tạo thành một thị trường chung đồng nhất về giá và chất lượng; hạn chế tình trạng “tranh mua, tranh bán” làm giảm chất lượng, giảm giá bán, làm mất uy tính thương hiệu gạo Việt, gây tổn thất cho người sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, sở, ngành liên quan cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo. Doanh nghiệp xuất khẩu phải tăng cường đầu tư vùng nguyên liệu và người nông dân cùng hợp tác thông qua hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, từng bước xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết