Tiếng Việt | English

26/11/2015 - 11:07

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ: Chính tôi ra lệnh bắn hạ Su-24 của Nga

Hơn một ngày sau vụ máy bay Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, Thủ tướng nước này Davutoglu thừa nhận đã ra mệnh lệnh nói trên.

Tờ ThinkPol dẫn lời ông Ahmet Davutoglu tuyên bố trong cuộc họp Đảng của mình ngày 25/11: “Sau khi chiếc máy bay Su-24 của Nga phớt lờ những lời cảnh báo, chúng tôi buộc phải bắn hạ. Chính tôi đã ra lệnh cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ làm điều này”.

Ông Davutoglu còn nói thêm rằng: “Chúng tôi không muốn chuyện này xảy ra nhưng mọi người cần phải tôn trọng quyền bảo vệ lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ và hành động quân sự đó hoàn toàn phù hợp với luật pháp của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thừa nhận đã ra lệnh bắn rơi máy bay Nga. Ảnh AP

Tuy nhiên, tuyên bố trên càng khiến người dân Thổ Nhĩ Kỳ thêm hoài nghi về những gì mà giới chức Thổ Nhì Kỳ từng tuyên bố rằng, đây chỉ là việc “đặng chẳng đừng trong một thời điểm khẩn cấp”.

Điều này là bởi, với diễn biến quá nhanh của vụ việc, khó có thể tin vào những gì được chính Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ viết trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong vòng 5 phút, họ đã 10 lần phát đi cảnh báo yêu cầu phi công Nga rời khỏi không phận Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức.

Trong khi đó, theo những gì Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận với NATO trong cuộc họp khẩn đêm 24/11, máy bay Nga chỉ mới xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ có 17 giây và họ chỉ cảnh cáo có 2 lần rồi bắn hạ ngay.

Chính sự bất nhất đó, khiến bản thân người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng không hiểu nổi làm sao quân đội nước này có thể mô tả về diễn biến đó cho giới chức nước này rồi vẫn có thể ngắm bắn máy bay Nga chỉ trong vòng 17 giây.

Tuyên bố của ông Davutoglu càng khiến những gì mà Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra trước đó rằng vụ việc này đã được Thổ Nhĩ Kỳ toan tính từ lâu càng trở nên đáng tin cậy hơn nhiều.

“Chúng tôi nghi ngờ rằng vụ việc này là một hành động cố ý và là một hành vi khiêu khích có chủ đích. Chúng tôi không định gây chiến với Thổ Nhĩ Kỳ. Quan điểm của chúng tôi đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thay đổi. Chúng tôi chỉ nêu nghi vấn này với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Lavrov nói.

Đáp lại lời ông Lavrov, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ “cần phải thực hiện những biện pháp ngoại giao nhằm hạ nhiệt và giải quyết căng thẳng”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chia sẻ quan điểm rằng: “Đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất lúc này là đảm bảo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trao đổi với nhau để hiểu rõ điều gì đã xảy ra và tiến hành những biện pháp nhằm ngăn ngừa nguy cơ leo thang căng thẳng”./.

Trần Khánh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết