Việc chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng lợi nhuận (Trong ảnh: Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Hàng may mặc Ascent Key (huyện Đức Hòa) - Hà Thị Kim Hồng làm việc với cán bộ Cục Hải quan để tìm hiểu các thủ tục liên quan trên các nền tảng số)
Chuyển đổi đem lại hiệu quả
Long An có vị trí địa lý thuận lợi, vừa thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vừa thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được xác định là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam. Tỉnh có hoạt động kinh tế sôi động với hơn 18.000 DN đăng ký hoạt động.
Thời gian qua, tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN theo quy định, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, trong đó có hướng dẫn, hỗ trợ CĐS, thúc đẩy phát triển KTS cho DN. Một bộ phận DN trên địa bàn từng bước thực hiện CĐS như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của khách hàng, gia tăng hiệu quả hoạt động cũng như tiết kiệm chi phí,...
Theo đại diện Công ty (Cty) TNHH Sản xuất Hàng may mặc Ascent Key (huyện Đức Hòa) - Hà Thị Kim Hồng, Cty chuyên hoạt động trong ngành may mặc hơn 10 năm. Thời gian qua, các ngành tỉnh hỗ trợ Cty rất nhiều trong hoạt động. Việc CĐS của tỉnh được đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho DN, nhất là trong việc làm thủ tục, tờ khai liên quan đến xuất, nhập khẩu,...
Cty cũng linh hoạt chuyển đổi, thúc đẩy phát triển KTS để phù hợp với trạng thái, xu hướng tất yếu của thị trường bằng việc ứng dụng nền tảng số, nâng cao nhân lực, hạ tầng, các thiết bị, máy móc đáp ứng hoạt động,... Từ đó, Cty rút ngắn được thời gian, công sức cũng như chi phí;... Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, phối hợp khách hàng thuận lợi hơn, giúp Cty nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng lợi nhuận.
Công ty Mỹ phẩm Vạn Phúc (huyện Tân Trụ) thúc đẩy phát triển kinh tế số, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất (Trong ảnh: Công nhân kiểm tra các thông số của sản phẩm)
Giám đốc Cty Mỹ phẩm Vạn Phúc (huyện Tân Trụ) - Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Chúng tôi phải CĐS, phát triển KTS và nghiên cứu, tập trung chuyển đổi tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào hoạt động, chuyển đổi mô hình sản xuất trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Việc CĐS, phát triển KTS tại Cty bước đầu đem lại những tín hiệu tích cực trong sản xuất, kinh doanh.
Cty tìm kiếm thêm được khách hàng, thị trường cho sản phẩm; giúp việc trao đổi, tương tác, đáp ứng các tiêu chí của khách hàng, nhất là khách hàng nước ngoài trong vấn đề liên lạc, tìm hiểu mẫu mã, tra cứu chất lượng sản phẩm;... thuận lợi hơn rất nhiều. Thời gian tới, Cty tăng cường tham gia, quảng bá sản phẩm trên các kênh, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, ưu tiên sử dụng các thiết bị hiện đại và tự động hóa để phù hợp, tránh những rủi ro; đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị tự động hóa để phục vụ sản xuất”.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bá Luân, tỉnh phối hợp các đơn vị tăng cường nhiều giải pháp để hỗ trợ, hướng dẫn DN tiếp cận các dịch vụ, sử dụng nền tảng số để CĐS, thúc đẩy phát triển KTS. Tỉnh kết nối để một số DN tiên phong, chuyên gia hướng dẫn, hỗ trợ DN chuyển đổi, nhất là các DN nhỏ và vừa từng bước thực hiện CĐS phù hợp với hoạt động tại DN. UBND tỉnh triển khai Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ CĐS DN và hỗ trợ thúc đẩy DN CĐS, phát triển KTS; tuyên truyền, khuyến khích các DN tham gia đánh giá mức độ CĐS.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển KTS nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; đôn đốc các DN quản lý sàn giao dịch điện tử hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất nông nghiệp tích cực tham gia giới thiệu, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm trên sàn thương mại điện tử;... Có thể nói, trên địa bàn tỉnh, nhiều DN đứng trước cơ hội CĐS tập trung vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, nông nghiệp, giao thông - vận tải;...
Thông qua CĐS, DN kiến tạo các sản phẩm và dịch vụ mới, tích hợp đa chức năng các giải pháp quản lý từ kế hoạch sản xuất, nguồn nhân lực đến phân tích thị trường, khách hàng; trình độ công nghệ của DN được tăng lên, hoạt động quản trị DN sẽ hiệu quả hơn và minh bạch hơn, tối ưu hóa các nguồn lực để tạo ra sự phát triển đột phá;...
Tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế
Bên cạnh kết quả đã đạt, việc CĐS, KTS trên địa bàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, việc triển khai đánh giá mức độ CĐS của DN trên địa bàn tỉnh còn khó khăn. Nguyên nhân là nhiều DN vừa và nhỏ có mức độ am hiểu về CĐS còn hạn chế và còn e ngại CĐS; hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức triển khai đánh giá và tổng hợp số liệu nhằm xác định mức độ CĐS DN nên địa phương còn lúng túng trong triển khai.
Long An tổ chức các hội thảo kết nối, hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Ông Nguyễn Bá Luân thông tin: Để CĐS hiệu quả, thúc đẩy phát triển KTS, góp phần giúp DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, theo định hướng, tỉnh tiếp tục triển khai phát triển KTS theo Kế hoạch của tỉnh trong thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển KTS và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, tỉnh tập trung tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam; tổng hợp, điều phối, tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ DN công nghệ số tại địa phương; chú trọng vào các DN ứng dụng công nghệ số, các DN tư vấn ứng dụng công nghệ số. Tỉnh triển khai sử dụng hệ thống đo lường KTS do Bộ Thông tin và Truyền thông thiết lập để phục vụ thực hiện đo lường KTS ICT của tỉnh hàng quí, từ đó có giải pháp phù hợp phát triển KTS trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh phát triển KTS ngành, lĩnh vực, tập trung thúc đẩy các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế phát triển KTS trên địa bàn tỉnh (nhất là lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, logistics, dệt may và công nghiệp chế biến, chế tạo,...), bảo đảm phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển và điều kiện của từng địa phương, giải quyết vấn đề của địa phương và hướng tới giải quyết vấn đề của các vùng KT-XH. Việc thúc đẩy, phát triển KTS trên địa bàn gắn với triển khai các nền tảng số quốc gia.
Đồng thời, tỉnh tập trung triển khai Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ CĐS DN và hỗ trợ thúc đẩy DN CĐS, phát triển KTS và Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh tập trung thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến để các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh biết để sử dụng các nền tảng số CĐS; hỗ trợ các DN sử dụng công cụ do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp để thực hiện đánh giá mức độ CĐS DN; định kỳ 6 tháng tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai thúc đẩy phát triển KTS nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển KTS nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh;...
|
Hội nghị Thường trực Chính phủ với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chuyển đổi số.
|
Có thể nói, cùng với việc xác định kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, việc hỗ trợ các DN nhỏ và vừa thực hiện CĐS nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tiếp cận khách hàng và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới sẽ góp phần tạo động lực mới thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương./.
Sơn Quê