Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, đồng thời cũng là năm thứ 5 thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại theo Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI).
Nhìn lại khoảng thời gian này, nhất là trong năm 2015, ngành Ngân hàng đã đạt được thành công đáng ghi nhận: không chỉ làm lành mạnh hóa hệ thống tài chính Ngân hàng, mà còn thực hiện có hiệu quả vai trò của cơ quan tiền tệ quốc gia.
Kiên trì theo đuổi mục tiêu xuyên suốt là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng, trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoạch định và thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, thận trọng và linh hoạt.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua đã có nhiều cố gắng, tuân thủ các luật kinh tế cũng như áp dụng tạm thời các giải pháp đặc thù giúp thoát ra khỏi thời điểm gay go nhất, nhất là vấn đề xử lý nợ xấu, thanh khoản của ngân hàng, cũng như vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
"Chúng ta đã giải quyết được 17 ngân hàng yếu kém, tiếp tục xử lý một số ngân hàng nữa. Đã giảm được một nửa nợ xấu, nhất là nợ đọng bất động sản; đồng thời giảm nợ xấu từ 17% xuống còn dưới 3% sức thanh khoản khả năng quản trị, sự vững mạnh của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện,” ông Phong lưu ý.
Năm 2015, lượng tiền cung ứng tiếp tục được điều hành phù hợp. (Ảnh minh họa: Internet)
Với những nỗ lực trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất giảm từ mức hơn 20% trong năm 2011 xuống còn 6- 9%/năm với lãi suất cho vay ngắn hạn, 9 - 11%/năm với lãi suất cho vay trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, trong năm 2015, lượng tiền cung ứng tiếp tục được điều hành phù hợp theo mục tiêu hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, kiểm soát lạm phát nhưng vẫn đảm bảo hài hòa với các mục tiêu giảm lãi suất, tăng tín dụng hợp lý, hỗ trợ các Tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu Chính phủ và xử lý nợ xấu.
Riêng về tỷ giá và thị trường ngoại hối tiếp tục được giữ ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, tình trạng đôla hoá trong nền kinh tế tiếp tục giảm, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, trong bối cảnh Trung Quốc điều chỉnh phá giá đồng NDT, giá cả xăng dầu biến động theo hướng giảm mà không lường trước được và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED tăng lãi suất cơ bản từ 0-0,25% lên 0,25%-0,5%.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn xăng dầu cho biết, chi phí tài chính của năm 2011 cả biến động về tỷ giá đâu đó khoảng hơn 2000 tỷ, cho đến nay chi phí tài chính cũng như tỷ giá cho năm 2015 chừng khoảng 500 tỷ, có nghĩa là ít hơn và ổn định thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu được triển khai quyết liệt trong năm 2015. Thông qua sáp nhập và hợp nhất hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, đến thời điểm hiện nay, số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm xuống còn 33.
Hệ thống các Tổ chức tín dụng nói chung, các ngân hàng thương mại nói riêng đã được lành mạnh hóa cơ bản với việc tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường tính thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Nỗ lực quyết định “sự sống còn” của mình, mỗi ngân hàng thương mại, Tổ chức tín dụng lại tự cơ cấu từ nguồn vốn chủ sở hữu, định hướng kinh doanh, đến phát triển hệ thống, bộ máy quản lý, đội ngũ nhân viên và quản trị ngân hàng, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng lợi nhuận. Nhờ đó đến cuối năm 2015, hầu hết các ngân hàng thương mại đã hoàn thành bước đầu lộ trình cơ cấu lại theo phương án được phê duyệt.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện được khung pháp lý cho việc tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng, sự ra đời của VAMC đặt nền móng cho việc hình thành thị trường mua bán nợ.
"Đây là điều quan trọng bởi việc hoàn thiện khung pháp lý ở Việt Nam với Đề án 254 thì mới tạo cơ sở cho cuộc tái cơ cấu thành công như vừa rồi. Tôi đánh giá đây là thành công lớn của Ngân hàng Nhà nước và tạo nền móng cho thị trường mua bán nợ,” ông Hòe nói.
Dù còn nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề cần quyết giải, nhưng những kết quả đạt được trong năm 2015 là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước xác định rõ các mục tiêu và giải pháp trọng tâm trong năm 2016 về điều hành chính sách tiền tệ. Đó là thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%). Phấn đấu chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, chỉ tiêu dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20% so với cuối năm 2015.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, năm 2016, tín dụng sẽ được tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù ngân hàng sẽ mở rộng cho vay song đối với tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, chứng khoán sẽ vẫn được theo dõi sát sao, nhằm đảm bảo mục tiêu mở rộng tăng trưởng đi đôi với hiệu quả, an toàn, phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.
"Điều hành lãi suất tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô cũng như diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế luôn đảm bảo phương châm nâng cao vị thế tiền đồng Việt Nam. Đối với điều hành tín dụng quán triệt phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cũng tiến tới cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt hơn đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô của Đất nước," bà Hồng chia sẻ.
Đặc biệt, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực thi áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn an toàn theo chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao an toàn cho hệ thống tiền tệ của Việt Nam chủ động hội nhập với quốc tế; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt hơn nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững phù hợp với các mục tiêu vĩ mô đề ra trong giai đoạn 2016-2020./.
Văn Hiếu/VOV - Trung tâm Tin