Tiếng Việt | English

02/11/2017 - 03:40

Thực phẩm bẩn tràn lan: Ăn gì cũng sợ

Hiện nay, tình trạng ngộ độc thực phẩm do ảnh hưởng từ thuốc tăng trọng, kích thích sinh trưởng, trừ sâu, bảo quản, chống ẩm mốc,... vẫn diễn ra. "Ăn gì cũng sợ" là cụm từ thường được nghe nhiều từ các bà nội trợ. Khi chọn mua thực phẩm cho gia đình, các bà nội trợ thường băn khoăn bởi thực phẩm sạch, bẩn lẫn lộn, tràn lan.

Thực phẩm bẩn tràn lan

Dạo một vòng quanh các chợ, người tiêu dùng dễ dàng bị "rối" trước hàng loạt loại thực phẩm được bày bán. Nếu chỉ bằng mắt thường, chúng ta không thể phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn. Từ thịt, cá, rau, củ, quả cho đến bánh, kẹo, nước ngọt, thực phẩm chế biến đóng gói sẵn,... tất cả đều tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Thực phẩm bày bán tràn lan, người tiêu dùng khó phân biệt

Bà Nguyễn Thị Thanh (57 tuổi), ngụ xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An cho biết: "Cứ mỗi sáng, tôi mất cả tiếng đồng hồ “dạo chợ” vì không biết nên mua gì để bữa cơm gia đình mình được an toàn. Bởi hàng ngày, qua báo, đài, tôi toàn nghe những thông tin đáng sợ, thịt có chất tạo nạc, tôm có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, trái cây "tắm" trong hóa chất độc hại,...".

Còn bà Lê Thị Tam, ngụ ấp Chánh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, chia sẻ: "Tôi thấy, hiện nay, nhiều nông dân sản xuất rau, quả phun thuốc trừ sâu vô tội vạ, không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhà tôi ở gần một hộ dân chuyên trồng dưa leo, có khi họ phun thuốc hôm trước, hôm sau hái mang ra chợ bán, thật đáng sợ!".

"Thực phẩm bẩn, nguy hại cho sức khỏe trở thành nỗi ám ảnh của người nội trợ. Dùng thuốc tăng trọng để nuôi gia súc, gia cầm; tiêm thuốc an thần để giết mổ heo; sử dụng nhớt thải xe để trồng rau muống cho cọng rau được non mướt, bắt mắt,... thật hãi hùng!” - chị Nguyễn Thị Gái, ngụ khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, chia sẻ.

Cần xử lý nghiêm

Trước thực trạng thực phẩm bẩn bày bán tràn lan ở các chợ, người tiêu dùng hoang mang, lo lắng cho sức khỏe gia đình mình. Ngay cả các loại rau, củ, quả được gọi là "an toàn", có tem, nhãn, có thể kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng vẫn có khả năng bị trộn lẫn để đánh lừa người tiêu dùng nhằm tăng lợi nhuận thì ai có thể bảo đảm được những thực phẩm khác bày bán ở chợ có chất lượng như thế nào? Bà Đỗ Thị Mai, nhà ở đường Châu Thị Kim, phường 3, TP.Tân An, cho biết: "Giờ, thực phẩm bẩn nhiều quá nên ai cũng sợ, để chọn thực phẩm an toàn cho gia đình, tôi đến siêu thị và tự trồng thêm một ít rau ở nhà".

Một cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường thông tin: "Tôi tham gia cùng các đoàn liên ngành kiểm tra về an toàn thực phẩm (ATTP) nên thấy còn có nhiều bất cập trong quản lý và xử lý. Chúng ta phải mạnh tay với những trường hợp vi phạm về ATTP chứ đừng trông chờ ở cái gọi là "đạo đức kinh doanh". Khi kiểm tra, các cơ quan liên ngành cũng “vướng” quy định phải thông báo cho cơ sở, hộ kinh doanh trước 5 ngày. Điều này tạo điều kiện cho cơ sở, hộ kinh doanh "lách" luật, không dùng các chất cấm trong những ngày bị kiểm tra. Ví dụ như việc dùng hóa chất tạo màu vàng làm dưa cải, măng chua. Chỉ cần 5.000 đồng hóa chất, người bán có thể pha với 200 lít nước, đủ ngâm khoảng 50kg dưa cải, măng chua. Hầu hết người bán không quan tâm đến việc sử dụng hóa chất sẽ độc hại thế nào đối với người tiêu dùng; họ chỉ vì lợi nhuận trước mắt".

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra, phát hiện vi phạm

“Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin về chất lượng thực phẩm. Còn những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh cũng nản lòng vì thực phẩm bẩn - sạch lẫn lộn. Mặc dù có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra nhưng những hành vi vi phạm về ATTP vẫn ngày càng trầm trọng. Thêm vào đó, hiện nay, lực lượng thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành ATTP còn hạn chế, trong khi đó, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lại quá nhiều” - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Phạm Văn Luân cho biết.

Người tiêu dùng vừa là nạn nhân cũng vừa là người quyết định sự sống còn của nhà sản xuất. Việc chọn mua những thực phẩm sạch, an toàn không chỉ bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình mà còn góp phần khuyến khích sản xuất thực phẩm an toàn. Chính vì thế, thay vì "chờ đợi" các ngành chức năng vào cuộc xử lý nạn kinh doanh thực phẩm bẩn, mỗi người tiêu dùng hãy phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến, vận động, giám sát, phát hiện, kiến nghị, tố cáo hành vi vi phạm về ATTP./.

"Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin về chất lượng thực phẩm. Còn những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh cũng nản lòng vì thực phẩm bẩn - sạch lẫn lộn. Mặc dù có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra nhưng những hành vi vi phạm về ATTP vẫn ngày càng trầm trọng".

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Phạm Văn Luân

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích