(Ảnh Internet)
Tôi trở về quê vào một buổi chiều hoàng hôn rực đỏ, bóng nắng hắt chiếu xuyên qua những tàu cau nơi ngõ nhà lấp lóa. Con ngõ nhỏ bao nhiêu bận đi về thương nhớ khôn nguôi, dìu gót chân tôi từ thuở chập chững biết đi cho đến khi trưởng thành rời nhà lên phố. Con ngõ là cầu nối giữa mảnh sân gạch với con đường cái của làng, xung quanh được cha trồng biết bao nhiêu là cau và được vây quanh theo khung của hàng chè tàu xanh ngắt. Tôi bước đi chầm chậm, đưa tay sờ lên dãy chè tàu được cha tỉa vuông vức, ký ức trỗi dậy bao kỷ niệm ngọt ngào.
Ngọn gió quê từ đồng cuộn lên mang theo hương cỏ nội mát rượi, bóng chiều lướt qua ngõ, có tiếng tre đu gió kẽo kẹt vọng từ sau hồi nhà hòa cùng tiếng chim sẻ lích chích. Đàn gà con nép sau bóng mẹ, thấy người mắt nhìn ngơ ngác rồi chạy tán loạn. Từng nhúm lông vàng như bông di chuyển khiến cho tôi thích thú. Mới độ đầu xuân, mẹ dọn dẹp cỏ dại sạch sẽ nhưng nay chúng lại mọc xanh rì. Tại nơi đây, bao kỷ niệm của tuổi ấu thơ tôi thật đẹp, lấp lánh như thước phim cổ tích.
Tôi bỗng thấy bóng dáng của mình thuở xưa thơ bé, thơ thẩn bên ngõ nhỏ hóng mỗi lần mẹ chạy chợ trở về. Tôi đón lấy viên kẹo bột, chiếc bánh đúc, túi mía được chẻ sẵn từ đôi bàn tay gầy gò của mẹ vất vả sớm hôm mà lòng ngập tràn hạnh phúc. Khi mẹ đi làm đồng về lại mang cho tôi xâu cua đồng béo ngậy, nhúm muồm muỗm rang lên thơm phưng phức. Có khi thì háo hức một tiếng rao kem hay xe kẹo kéo quen thuộc. Chân trần tôi chạy từ sân ra ngõ, lưng tựa vào gốc cau rồi đứng yên đưa mắt nhìn về phía đường cái của làng mà nhìn những chuyến xe kem đi qua. Cái thèm thuồng thời thơ ấu thật đáng yêu và cũng tội nghiệp làm sao! Mẹ vẫn thường kể lại, tôi là đứa con ngoan, lúc nào cũng nghe lời và không bao giờ vòi vĩnh. Chắc bởi lẽ sinh ra trong gia đình nghèo khó nên tự mỗi đứa trẻ như chúng tôi sớm hiểu chuyện, không làm phiền lòng mẹ cha.
Ngõ quê nhà tôi những năm tháng ấy ẩn chứa âm thanh rộn ràng của cuộc sống người nông dân vất vả. Tôi nhớ những lần mẹ làm đồng về mệt, ngồi cùng các bác trước ngõ nghỉ ngơi, chuyện trò. Bắp ngô, củ khoai đi vào trong những câu chuyện thường nhật thoang thoảng mùi bùn ruộng ngai ngái. Hay những đêm trăng thanh gió mát, cha mang chiếc chõng tre ra đầu ngõ hóng gió, thêm chén nước vối, điếu thuốc lào mà tình làng, nghĩa xóm cũng bắt đầu hun đúc từ đây. Đám trẻ con chúng tôi thì mong mùa gặt về thật nhanh, vì lúc đó con ngõ được rải đầy rơm tươi, tha hồ nhào lộn, làm đủ trò mà không đau, sợ bẩn. Vào mùa cau nở, hương thơm dịu nhẹ len vào khoang mũi, tôi thấy mình như được ướp bởi thứ hương tinh túy nhất của đời người. Hương cau lẫn hương lúa mới quyện lại thành một thứ mùi quen thuộc, dân dã nhưng luyến nhớ vô cùng...
Ngõ quê tiễn đưa bao cuộc chia ly, nơi lưu dấu những nụ cười và nước mắt. Đó là ngày chị tôi lấy chồng xa, bịn rịn với người thân. Bao nhiêu năm chị mới có thể quay lại quê nhà, buồn tủi, lưu luyến khôn nguôi. Tôi đứng bên hàng cau nhìn bóng chị cũng không cầm được nước mắt. Rồi lần lượt anh em tôi lớn lên, xa nhà lên phố học tập và lập nghiệp. Bóng dáng mẹ cha đứng ở ngõ đợi chờ các con lên xe, hay những lần về nhà được chào đón bằng những cái ôm ấm áp.
Thời gian thấm thoát trôi, lũ trẻ chúng tôi ngày ấy giờ đã trưởng thành, thành bố mẹ trẻ con. Còn cha mẹ thì tóc đã lấm tấm hoa tiêu. Chỉ duy nhất ngõ quê vẫn còn giữ lại được nét xưa, chứng kiến bao sự thay đổi của nếp nhà. Tôi rời quê đi xa, góp nhặt từng thước phim kỷ niệm vui, buồn từ con ngõ nhỏ. Ngày tôi tạm biệt quê nhà, chân cứ tần ngần không muốn rời bước, thấy lòng mình hoang hoải, nước mắt cứ rưng rưng.../.
Đào Thanh Tùng