Tiếng Việt | English

24/09/2020 - 14:35

Thường xuyên kiểm tra phát hiện, phòng ngừa tham nhũng

Cùng với cả nước, thời gian qua, tỉnh Long An luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đây được xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội vào công tác PCTN.

Đạo đức công vụ luôn được các cấp, các ngành quan tâm

Đạo đức công vụ luôn được các cấp, các ngành quan tâm 

Thấy gì qua một số vụ tham nhũng

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn, nghiêm trọng mang tính có tổ chức, lợi ích nhóm. Tuy nhiên, trong số những vụ được phát hiện, xử lý, có trường hợp tham nhũng với số tiền tỉ, có vụ hàng trăm triệu đồng. Đơn cử như vụ tham ô tài sản tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Mộc Hóa. Theo hồ sơ, Nguyễn Quốc Lộc là kế toán trưởng, trong hơn 2 năm (từ tháng 3/2014 đến tháng 6/2016), đã lợi dụng công việc, vị trí được giao để tham ô tài sản.

Cụ thể, Lộc đã lập 20 bộ chứng từ là ủy nhiệm chi giả, giả chữ ký giám đốc và dùng con dấu của cơ quan đóng xác nhận chữ ký giám đốc, để chuyển tiền từ tài khoản chi chế độ BHXH của huyện mở tại Agribank huyện đến tài khoản của mình và các cá nhân, đơn vị quen biết. Sau đó, Lộc nhờ các chủ tài khoản rút tiền đưa lại cho mình. Với phương thức này, Lộc chiếm đoạt tổng cộng hơn 1,7 tỉ đồng. Số tiền chiếm đoạt này, Lộc hạch toán khống vào mục chi trích, chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trường học. Khi BHXH tỉnh thẩm định, xét duyệt, quyết toán nếu phát hiện chi thiếu chứng từ kế toán thì Lộc giải thích các trường chưa làm thủ tục quyết toán, sẽ bổ sung sau.

Ngày 23/8/2019, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Lộc 20 năm tù giam. Liên quan đến vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can thêm 3 cán bộ ngành BHXH về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tương tự vụ việc trên, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, giữa năm 2016, Nguyễn Trọng Tính được Chi cục Thuế huyện Bến Lức phân công làm trưởng đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp tại một công ty (Cty). Trong 5 ngày kiểm tra, Tính phát hiện Cty có nhiều sai phạm trong việc kê khai thuế, báo cáo thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Tính chủ động đặt vấn đề với giám đốc Cty và yêu cầu chi tiền bồi dưỡng để làm lại báo cáo, trình lãnh đạo xem xét giảm tiền phạt vi phạm cho Cty. Chiều ngày 08/7/2016, Tính đến quán cà phê để nhận trước 200 triệu đồng thì bị lực lượng công an ập vào bắt quả tang cùng tang vật.

Cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử Nguyễn Trọng Tính theo khoản 4, Điều 279 Bộ luật Hình sự năm 1999 và tòa án tuyên phạt 6 năm tù. Liên quan đến vụ việc, ngành chức năng cũng xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại đơn vị theo quy định. Qua sự việc này cũng đặt ra bài học đắt giá cho các cán bộ có trách nhiệm trong quản lý tài chính ngân sách nhà nước.

Xây dựng cơ bản cũng là lĩnh vực được tăng cường kiểm tra phòng, chống tham nhũng

Xây dựng cơ bản cũng là lĩnh vực được tăng cường kiểm tra phòng, chống tham nhũng

Tăng cường kiểm tra, phát hiện, phòng ngừa tham nhũng

Thông tin từ Ban Nội chính Tỉnh ủy, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN; đồng thời, chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 12/CT-UBND, ngày 30/7/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc và tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về lối sống, đạo đức cho cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng giáo dục về bản lĩnh chính trị, kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, ý thức tự phê bình và phê bình, tự giác trong rèn luyện cần, kiệm, liêm, chính.

Song song đó, tỉnh đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; quan tâm thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra, giám sát nội bộ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng, hàng năm, huyện đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác PCTN. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội huyện đều xây dựng kế hoạch, đưa vào triển khai, quán triệt các yêu cầu, nhiệm vụ về PCTN cho lực lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong nội bộ cơ quan, đơn vị mình.

“Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đều chấp hành nghiêm công tác công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị mình gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Việc công khai, minh bạch được thực hiện thường xuyên, đúng quy định bằng các hình thức như phát hành văn bản, công bố tại cuộc họp, niêm yết tại trụ sở cơ quan,... Việc mua sắm, quản lý tài sản công được thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công bảo đảm mua sắm theo tiêu chuẩn, định mức, kế hoạch và dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt” - ông Huỳnh Văn Quang Hùng thông tin.

Còn tại Sở Giao thông Vận tải, công tác PCTN cũng được chú trọng thực hiện. Thanh tra Giao thông luôn kiểm tra, nhắc nhở thanh tra viên nâng cao đạo đức công vụ, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. “Điều phấn khởi là từ đầu năm 2020 đến nay, Thanh tra chưa nhận được những phản ánh liên quan đến thanh tra viên nhũng nhiễu, cũng như chưa phát hiện có hành vi tham nhũng” - Chánh Thanh tra Giao thông - Lê Văn Viên cho biết.

Tại hội nghị triển khai công tác PCTN vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về thực hiện các chế độ, tiêu chuẩn, định mức; đôn đốc, kiểm tra, nâng cao hiệu quả việc thực hiện minh bạch tài sản thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm quy định về tặng quà, nộp lại quà tặng của các cơ quan, đơn vị, cá nhân; tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để phát huy hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Đồng thời, các sở, ngành, địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; quan tâm khắc phục những hạn chế trong công tác phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ, tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng đã phát hiện theo đúng quy định của pháp luật; chú trọng giải quyết có hiệu quả các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, các thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, doanh nghiệp và công dân liên quan đến các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng, nhất là các hành vi “tham nhũng vặt”./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết