Lãnh đạo tỉnh, đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự Tọa đàm "Long An - điểm đến đầu tư thân thiện và hiệu quả"
Vùng đất lành
Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TP.HCM và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, có biên giới, cửa khẩu quốc tế, cảng biển. Phát huy những tiềm năng, lợi thế đó, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự ủng hộ và hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành bạn, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong khuôn khổ Tọa đàm “Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao” do UBND tỉnh tổ chức vào tháng 4/2021, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được phấn khởi chia sẻ, bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý, tỉnh luôn quan tâm công tác cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Long An những năm qua luôn đứng trong top 10 của cả nước.
Riêng năm 2020, Long An vinh dự xếp hạng 3 trên 63 tỉnh, thành cả nước về chỉ số PCI. Với những thành tựu quan trọng đó, Long An đã có sự phát triển bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương năng động, tích cực trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng ĐBSCL và của cả nước.
Với những thuận lợi khá đặc biệt, nhiều năm qua, Long An còn đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt phù hợp với tình hình KT-XH. Đến nay, toàn tỉnh có 13.590 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 349.430 tỉ đồng. Tỉnh thu hút 2.113 dự án (DA) đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký 251.614,8 tỉ đồng; 1.124 DA FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.334,5 triệu USD, trong đó 588 DA đi vào hoạt động, chiếm 52,3% tổng số DA đăng ký, với tổng vốn thực hiện khoảng 3.624 triệu USD, đạt 38,8% tổng vốn đăng ký.
Các DA FDI đang đầu tư trên địa bàn tỉnh đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ,... Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn là ngành dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế biến thực phẩm, đồ uống, công nghiệp chế tạo,... Và các DA FDI này tập trung tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, giáp ranh TP.HCM như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An.
Khai thác tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - Huỳnh Văn Sơn thông tin, nhiều năm qua, Long An luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu Vùng ĐBSCL và là một trong những địa phương thu hút nhiều nguồn vốn FDI trên cả nước. Qua đó cho thấy, Long An đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, là minh chứng về một địa phương năng động, tích cực, chủ động trong các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế và tìm kiếm các cơ hội phát triển.
Để có được kết quả này, có thể nói Long An đã tận dụng nhiều cơ hội, phát huy khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương để kêu gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Để tạo ra lợi thế cạnh tranh so với những địa phương khác, Long An luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính và đầu tư lớn cho kết cấu hạ tầng, kết nối các trục giao thông chính của TP.HCM, các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) và cảng biển.
Từ đó, tạo sức hút hấp dẫn các nhà đầu tư, DN đến đầu tư, kinh doanh, hợp tác thương mại. Trong hầu hết các buổi tiếp xúc với DN, nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh Long An cam kết luôn đồng hành cùng với các DN, xem khó khăn của DN cũng là khó khăn của tỉnh, thành công của DN cũng là thành công của địa phương. Lãnh đạo tỉnh luôn khẳng định rất trân trọng và luôn sẵn sàng chào đón cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, DN trong và ngoài nước cùng phát triển, cùng thành công tại Long An.
Bên cạnh đó, Long An có vị trí địa lý chiến lược, quỹ đất công nghiệp dồi dào, hạ tầng giao thông đồng bộ, chính sách pháp lý rõ ràng và trên hết là một chính quyền năng động. Từ đầu năm 2021 đến nay, diện tích đất công nghiệp lấp đầy tăng thêm 80,06ha. Toàn tỉnh hiện có 22 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư, tổng diện tích 5.067,67ha với hơn 500ha đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê; trong đó có 16 KCN đang hoạt động với diện tích đất tự nhiên 3.776,67ha, diện tích đất đã cho thuê 2.394,18ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 89,55%.
Đối với khu kinh tế cửa khẩu có 2 DA đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD, diện tích 21,2ha và 2 DA đầu tư trong nước với diện tích thuê đất 0,66ha. Lũy kế đến nay có 22 CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 77,6%; thu hút 622 DA với diện tích đất đã cho thuê 756,4ha, diện tích đất sẵn sàng tiếp nhận đầu tư khoảng 251ha.
Đồng thời, Long An thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tại Vùng ĐBSCL - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Điều đặc biệt khác, từ rất sớm, Long An đã chú trọng quy hoạch xây dựng K,CCN để thu hút đầu tư. Với quy hoạch 35 KCN và 62 CCN trên diện tích gần 15.000ha đất công nghiệp được bố trí giáp ranh TP.HCM trong bán kính 30 - 40km, Long An luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về mặt bằng, địa điểm, hạ tầng để nhà đầu tư đến triển khai đầu tư sản xuất, kinh doanh một cách nhanh chóng, thuận lợi.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ cũng là một ưu thế lớn của địa phương. Long An có các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ N2, Quốc lộ 50, cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua. Nhiều năm qua, tỉnh còn đầu tư lớn cho kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên hoàn giữa các K,CCN ở các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh phục vụ phát triển công nghiệp trong tỉnh với nhau. Còn về giao thông thủy, tỉnh có Cảng Quốc tế Long An trên cửa sông Soài Rạp. Cảng này đã tiếp nhận tàu 30.000DWT và tương lai từ 50.000-70.000DWT. Từ những ưu điểm trên cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh luôn thông thoáng, hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư.
Giám đốc Sở KH&ĐT - Huỳnh Văn Sơn cho biết, ngoài tập trung cho phát triển công nghiệp, Long An còn phát huy khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để thu hút, kêu gọi đầu tư DA Trung tâm logistics. Long An đã quy hoạch 6 trung tâm logistics tại các khu vực khác nhau trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tại huyện Bến Lức sẽ có 3 trung tâm logistics đặt tại các xã: Thanh Phú, Thạnh Lợi và Lương Hòa với tổng diện tích khoảng 110ha.
Với các DA trung tâm logistics, Long An kỳ vọng là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh; trở thành trung tâm đầu mối cho các hoạt động logistics, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN sản xuất, kinh doanh, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, đẩy mạnh giao thương trong nước và quốc tế.
Qua đó, tạo môi trường thu hút đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, tận dụng tối đa các nội dung hợp tác thương mại song phương Việt Nam đã ký với các nước trên thế giới. Từ đó cho thấy rằng, Long An đã, đang và sẽ cố gắng xây dựng và hoàn thiện một môi trường đầu tư an toàn và hiệu quả, vùng đất vàng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiếp tục khẳng định vị trí điểm sáng đầu tư của khu vực và cả nước./.
Đến nay, toàn tỉnh có 13.590 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký 349.430 tỉ đồng. Tỉnh thu hút 2.113 dự án đầu tư trong nước được cấp phép với số vốn đăng ký 251.614,8 tỉ đồng; 1.124 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.334,5 triệu USD, trong đó 588 dự án đi vào hoạt động, chiếm 52,3% tổng số dự án đăng ký, với tổng vốn thực hiện khoảng 3.624 triệu USD, đạt 38,8% tổng vốn đăng ký. |
Mai Hương