Tiễn đưa nghệ sĩ Phạm Bằng về nơi an nghỉ cuối cùng
Trưa 4/11, tại nhà tang lễ Bộ quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội), gia đình, bạn bè, các nghệ sĩ, đồng nghiệp và người hâm mộ đã đến thắp hương, đưa tiễn nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng.
Lễ di quan NSƯT Phạm Bằng lúc 14g20 phút
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên, các nghệ sĩ Tự Long, Quốc Khánh, Vân Dung, Xuân Bắc, MC Thảo Vân, Phú Đôn… đã đến thắp hương kính viếng và tiễn đưa “Sếp Bằng hói” - tên gọi thân thương của các nghệ sĩ dành cho NSƯT Phạm Bằng - về nơi an nghỉ cuối cùng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi sổ tang
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có mặt từ sớm với những lời tiếc thương ghi trong sổ tang: “Vĩnh biệt nghệ sĩ Phạm Bằng. Xin chân thành chia buồn cùng gia đình và người thân của nghệ sĩ cùng giới nghệ sĩ nước nhà. Mãi nhớ nghệ sĩ Phạm Bằng, nhất là trong vai diễn các nhân vật có chức quyền thoái hoá - những điều trái ngược với con người thực của nghệ sĩ. Đó không chỉ là tài năng, là đóng góp cho nghệ thuật mà còn là tiếng nói của lòng dân, là hành động của văn nghệ sĩ lên án, đấu tranh với cái xấu, cái ác”.
Nghệ sĩ Phú Đôn chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Cho phép tôi gọi ông bằng chú chúng tôi bởi quen rồi. Ngày chúng tôi về đầu quân cho nhà hát kịch VN, lúc đấy chú Bằng đã là một hình bóng rất lớn cùng các nghệ sĩ lớn tuổi khác.
Chú Bằng với chúng tôi không những là một người tiền bối mà ông còn là một người cha của chúng tôi. Chúng tôi học được từ “bố Bằng” tính kỷ luật sân khấu, học cái gọi là đạo đức diễn viên mà sau này trong giáo trình đào tạo không còn môn đó, bằng những lời rỉ tai rất nhỏ như “con ơi, vở này con nên làm thế này, thế này”.
Người thân và các nghệ sĩ đi vòng quanh linh cữu NSƯT Phạm Bằng lần cuối
Trời đã cho ông một sức khoẻ tốt và trí óc minh mẫn, kể cả khi tuổi đã cao nhưng ông vẫn rất sáng suốt. Khán giả đại chúng biết đến ông nhiều qua chương trình Gặp nhau cuối tuần, Gặp nhau cuối năm. Nhưng để có được điều đó, chú Phạm Bằng đã có một hành trình làm việc miệt mài, sự yêu nghề đã tạo cho ông nền tảng vững chắc nên khi ông bước sang thể loại dù là hài, đóng phản diện hay chính kịch, hoặc đóng kịch tâm lý, ông sẽ hoàn thành một cách xuất sắc”.
Nghệ sĩ Quốc khánh, người từng có nhiều năm gắn bó với nghệ sĩ Phạm Bằng tại nhà hát kịch VN và chương trình Gặp nhau cuối tuần nhớ lại: “Chúng tôi vẫn gọi chú Bằng là bố xưng con. Chú Bằng là người vừa chỉn chu trong nghề cũng như trong đời sống thường ngày. Chú là diễn viên có cá tính, có tài và duyên dáng. Chú đã đi vào lòng nhân dân rồi”.
Nghệ sĩ Lê Mai đã cao tuổi, nhưng vẫn đến thắp hương và gặp nghệ sĩ Phạm Bằng lần cuối. Bà nhớ lại nhiều kỷ niệm với nghệ sĩ Phạm Bằng: “Bác Phạm Bằng là người ở cùng đoàn kịch nói HN với tôi, chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm cùng nhau. Chúng tôi thân nhau đến nỗi người ta tưởng là chúng tôi “có vấn đề”. Sau khi tôi về hưu thì ít gặp nhau, nhưng tình cảm đó không vơi bớt đi. Khi bác ấy trị bệnh, tôi có hai lần đến thăm và rất thương bác ấy.
Tiếc cho một tài năng đang cống hiến cho nghệ thuật. Bác ấy ra đi, đất nước mình mất đi một tài năng, một gương mặt quen thuộc được nhân dân yêu mến. Ông ấy là một người vô cùng tình cảm, tử tế, hiền lành. Ông là một người mang tính cách của người HN. Tôi đã từng diễn với ông mấy chục năm và rất kính nể ông ở sự làm việc nghiêm túc. Điều tôi quý nhất ở nghệ sĩ Phạm Bằng là mỗi lần được mời đi làm phim, ông đều coi đó là một món quà và không bao giờ hỏi về chuyện tiền nong”.
Nghệ sĩ Trung Hiếu ghi những lời xúc động trong sổ tang: “Chú Bằng ơi! Chú ra đi đột ngột quá, để lại bao tiếc thương cho anh em đồng nghiệp. Xin chia buồn cùng gia đình chú. Cầu mong cho linh hồn chú siêu thoát”.
NSND Trung Hiếu lặng người bên linh cữu NSƯT Phạm Bằng
MC Thảo Vân - người gắn bó nhiều năm với nghệ sĩ Phạm Bằng trên sân khấu Gặp nhau cuối tuần viết: “Chú đi nhé. Cầu chúc chú bình an nơi ấy. Chú cháu mình đã có biết bao chương trình với nhau rồi chú nhỉ. Cháu luôn yêu quý tinh thần làm việc chuyên nghiệp của chú - người nghệ sĩ chân chính. Tạm biệt chú”.
Lúc 14g cùng ngày, sau khi kết thúc lễ viếng, BTC lễ tang đã tiến hành lễ truy điệu và di quan tiễn đưa nghệ sĩ Phạm Bằng về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong điếu văn của Ban tổ chức lễ tang đã có những dòng xúc động: “Ông là người cháy hết mình cho nghệ thuật, là người anh, người chú say mê hết mình truyền đạt kinh nghiệm nghề nghiệp cho anh em nghệ sĩ trẻ…
Trong gia đình ông là người yêu thương vợ con hết mình. Ít ai biết rằng, bên cạnh những vai diễn hài hước, trong cuộc sống thường ngày, ông rất nặng lòng ưu tư với nhiều vấn đề của đời sống…Vĩnh biệt nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng, một cây đại thụ của sân khấu kịch nói VN, một nghệ sĩ lớn để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng”.
Thi hài nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng được hoả táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ.
Nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng qua đời lúc 20g ngày 31-10 sau 2 tháng điều trị bệnh viêm gan và viêm mật tại bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội). NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông vừa là nghệ sĩ sân khấu vừa diễn hài kịch. Ông nổi tiếng với các vai diễn hài mang lại tiếng cười cho nhiều tầng lớp khán giả. Một số vở kịch mà Phạm Bằng tham gia được công chúng biết đến rộng rãi như: Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Mớ đời Thương. Chương trình Gặp nhau cuối tuần trên VTV3 là nơi Phạm Bằng được công chúng biết đến và ái mộ nhiều nhất với một số tiểu phẩm như: Nghe đồn, Cờ bạc, Về quê… Năm 1993, nghệ sĩ Phạm Bằng được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. |
Một số hình ảnh tiễn đưa NSƯT về nơi an nghỉ cuối cùng:
Nghệ sĩ Lê Mai nức nở khi nhìn gương mặt đồng nghiệp thân thiết lần cuối...
Nghệ sĩ Phú Đôn buồn bã chia tay đồng nghiệp
Các nghệ sĩ Chí Trung, Ngọc Huyền, Đức Khuê
Nghệ sĩ Vân Dung không kìm được nước mắt...
Các nghệ sĩ đi và người thân đi quanh linh cữu "Sếp Bằng hói" lần cuối
NSƯT Nam Cường (phải) và nghệ sĩ Quang Tèo
Không ai cầm được nước mắt thương tiếc NSƯT Phạm Bằng
Nghệ sĩ Xuân Bắc và đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng cũng có mặt tiễn đưa "Sếp Bằng hói"...
V.V.Tuân/tuoitre online (Ảnh: Nam Trần)
- Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An biểu diễn phục vụ nhân dân huyện Cần Giuộc (23/12)
- Hồ Văn Ngà - Tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ đặc công (23/12)
- Quảng bá du lịch Long An với tỉnh bạn (23/12)
- Trên quê hương trung dũng kiên cường (23/12)
- Doanh thu của ngành phim hoạt hình Nhật Bản lần đầu vượt 21 tỷ USD (22/12)
- Đặc sắc các không gian tại sự kiện Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2024 (22/12)
- Chương trình 'Con đường lịch sử': Hình ảnh đầy tự hào về người lính Bộ đội cụ Hồ (22/12)
- Đi coi triển lãm phải... khỏa thân (22/12)