Tiếng Việt | English

14/02/2020 - 19:50

Tiền Giang: Đầu tư khẩn cấp hơn 7,6 tỉ đồng cho công trình chống mặn

Huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang quyết định tạm ứng 7,68 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước năm 2020 cho các xã thi công khẩn cấp các công trình phòng, chống xâm nhập mặn.

Thi công đập ngăn mặn, trữ ngọt ở Tiền Giang. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 14/02, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) Lý Văn Cẩm cho biết trước tình trạng nước mặn từ cửa sông thuộc hệ thống sông Tiền và sông Hàm Luông (Bến Tre) lấn sâu vào nội đồng, đe dọa các vùng trồng cây ăn quả đặc sản tại địa phương, huyện Cai Lậy quyết định tạm ứng 7,68 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước năm 2020 cho các xã thi công khẩn cấp các công trình phòng, chống xâm nhập mặn.

Huyện tiến hành nạo vét 20 tuyến kênh trữ nước ngọt với tổng kinh phí 2,87 tỉ đồng, sửa chữa 10 cống ngăn mặn với kinh phí 1,6 tỉ đồng, đắp 24 đập ngăn mặn với tổng kinh phí trên 3,2 tỉ đồng.

Những công trình này nhằm bảo vệ khoảng 15.000ha đất trồng cây ăn quả, trong đó có hàng chục ngàn ha sầu riêng chuyên canh có giá trị kinh tế cao, chưa kể các cây ăn quả đặc sản khác phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Lãnh đạo huyện yêu cầu các xã tập trung ra quân giải phóng chướng ngại vật dưới lòng kênh, khai thông dòng chảy, phát huy vai trò các kênh nội đồng trong việc trữ ngọt phục vụ sản xuất; đồng thời thi công khẩn trương các công trình kênh mương, cống đập ngăn mặn, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng nhằm phòng chống thiên tai một cách hiệu quả nhất.

Huyện thường xuyên theo dõi cập nhật diễn biến tình hình xâm nhập mặn và hạn hán để dự báo, cảnh báo nhân dân sẵn sàng ứng phó, đặc biệt là không tưới cây khi độ mặn tăng cao để tránh thiệt hại cho vườn cây ăn quả.

Mặt khác, huyện tăng cường công tác tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả trong và sau khi hạn, mặn để bà con biết thực hiện đúng quy trình.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Chi nhánh Thủy nông Cai Lậy-Cái Bè tăng cường các điểm đo độ mặn, vừa để khuyến cáo nhân dân, đồng thời xây dựng lịch vận hành các cống đập ở hai ô bao Đông và Tây Ba Rài một cách hợp lý nhằm điều tiết nước, làm tốt chức năng ngăn mặn và lấy nước ngọt bổ sung vào nội đồng phục vụ sản xuất khi có điều kiện thuận lợi.

Phục vụ mục tiêu cập nhật diễn biến xâm nhập mặn để ứng phó kịp thời, huyện đã mua thêm 32 máy đo mặn trang bị thêm cho các xã trọng điểm có vườn quả đặc sản.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy Trần Lý Ngự Bình, địa phương đã bố trí hàng trăm điểm đo độ mặn trên sông Tiền và các chi lưu, kênh rạch nội đồng tại các xã trọng điểm kinh tế vườn phía Nam Quốc lộ 1.

Kết quả khảo sát tại tại các điểm đo của Chi nhánh Thủy nông Cai Lậy-Cái Bè (Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang) cho thấy sông Tiền và toàn bộ kênh rạch chi lưu thuộc địa bàn huyện Cai Lậy đã bị xâm nhập mặn nên không thể lấy nước tưới tiêu cho vườn cây ăn quả, trừ một ít địa bàn có độ mặn dưới 0,5 g/lít được khuyến cáo hạn chế bơm tưới.

Trong những ngày tới, mùa khô vào cao điểm, diễn biến hạn mặn còn rất phức tạp nên một mặt huyện sẽ thi công các công trình phòng chống thiên tai khẩn cấp, một mặt tăng cường thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo cho nông dân các biện pháp đối phó theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm nhẹ thiệt hại, bảo vệ sản xuất và đời sống./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết