Tiếng Việt | English

13/02/2023 - 15:30

Tiến trình đàm phán Khuôn khổ Kinh tế ÂĐD-TBD sắp có bước đột phá

Các nhà đàm phán đã xác nhận sẽ làm việc để đạt được thỏa thuận trong ít nhất một trong bốn lĩnh vực ưu tiên của IPEF vào cuối tháng 5/2023, thời điểm các bộ trưởng thương mại dự Hội nghị APEC tại Mỹ.


Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (từ trái sang) tại lễ công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/5/2022. (Ảnh: Twitter)

Các nước tham gia đàm phán về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), trong đó có Nhật Bản và Việt Nam, vừa nhất trí đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận một phần vào cuối tháng 5/2023.

Hãng tin Jiji Press cho biết thỏa thuận trên đạt được tại cuộc họp của các trưởng đoàn đàm phán của 14 nước tham gia đàm phán IPEF ở New Delhi vào cuối tuần trước.

Tại cuộc họp này, các nhà đàm phán đã xác nhận sẽ làm việc để đạt được thỏa thuận trong ít nhất một trong bốn lĩnh vực ưu tiên của IPEF vào cuối tháng 5/2023, thời điểm các bộ trưởng phụ trách thương mại của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ nhóm họp ở Mỹ và đạt được các thỏa thuận trong tất cả các lĩnh vực vào giữa tháng 11/2023, thời điểm Hội nghị Cấp cao APEC sẽ được diễn ra. Mỹ giữ chức Chủ tịch APEC trong năm nay.

Trước đó, 14 quốc gia tham gia đàm phán IPEF, trong đó có Ấn Độ, đã đặt mục tiêu thiết lập các quy tắc chung trong bốn lĩnh vực gồm: thương mại; các chuỗi cung ứng; kinh tế công bằng; thuế và chống tham nhũng.

Jiji Press dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết do Ấn Độ không tham gia đàm phán về lĩnh vực thương mại vào thời điểm hiện tại nên những người tham gia cuộc họp ở New Delhi vào cuối tuần trước đã tiến hành thảo luận trong ba lĩnh vực còn lại và đạt được tiến bộ trong việc đàm phán một thỏa thuận trong lĩnh vực chuỗi cung ứng.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, Bộ Thương mại Mỹ cho biết các đối tác của IPEF đã tái khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác để nhanh chóng ký kết các thỏa thuận bao gồm các kết quả tiêu chuẩn cao và mang lại các lợi ích cụ thể nhằm nâng cao tầm nhìn chung về cạnh tranh kinh tế và thịnh vượng trong nền kinh tế tương ứng của các nước này./.

Đào Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết