Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Để thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đang thực hiện nhiều chính sách, cơ chế nhằm xây dựng các DN đầu tư lĩnh vực nông nghiệp ƯDCNC và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng các đề án khuyến công như hỗ trợ vốn đổi mới máy móc sản xuất
Mục tiêu nhằm thúc đẩy các DN phát triển và ứng dụng hiệu quả CNC trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, đạt các chỉ tiêu hỗ trợ DN ƯDCNC. Trong đó, có 8-10 DN được cải tiến quy trình công nghệ, chuyển giao, ƯDCNC trong nông nghiệp; 10-12 DN nông nghiệp trong lĩnh vực sơ chế, giết mổ, bảo quản, chế biến xây dựng hệ thống quản lý chất lượng HACCP; 25-35 DN nông nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP,...).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh: "Để đạt mục tiêu trên, tỉnh dự kiến dành hơn 14 tỉ đồng hỗ trợ xây dựng DN nông nghiệp ƯDCNC giai đoạn 2017-2020. Trong đó, địa phương tập trung hỗ trợ DN trong hoạt động cải tiến, chuyển giao, ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp,...”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng thông tin: "Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, lực lượng lao động có trình độ quản lý và tay nghề cao. Lĩnh vực nông nghiệp lại có nhiều rủi ro, giá cả không ổn định nên việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Do đó, bên cạnh việc xây dựng các DN nông nghiệp ƯDCNC, tỉnh cũng thực hiện nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Trong đó, chú trọng xây dựng quy hoạch các vùng nông nghiệp ƯDCNC để tạo điều kiện thuận lợi cho DN đến đầu tư".
Tăng cường công tác khuyến công để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Toàn tỉnh hiện có khoảng 8.000 cơ sở công nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm cho gần 16.000 lao động. Điêu khắc gỗ (chạm gỗ), dệt chiếu,... là một trong những nghề truyền thống có lịch sử lâu đời, hiện đang được gìn giữ và phát triển trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở điêu khắc gỗ hiện đang phát triển mạnh, đầu ra sản phẩm ổn định.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động gây không ít khó khăn cho các cơ sở. Từ nguồn kinh phí khuyến công, Trung tâm Khuyến công hỗ trợ các cơ sở này nhiều hoạt động: Xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, tìm đầu ra cho sản phẩm, dạy nghề, truyền nghề nhằm lưu giữ và đào tạo nguồn nhân lực kế thừa,...
Ông Trần Văn Hoanh, ngụ ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ cho biết: “Cũng có thời điểm, nghề này mai một vì không mang lại nguồn sống cho người làm ra sản phẩm. Nhưng với sự yêu nghề, cầu tiến, ham học hỏi, trong thời gian ngắn, tôi có thể tự tay đóng những chiếc bàn, ghế, tủ thờ tinh xảo, có giá trị kinh tế,..."
Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP,...
Nhằm phát huy thế mạnh, những năm qua, tỉnh dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ nâng cao giá trị cho những mặt hàng này, chương trình khuyến công là một điển hình. Chương trình khuyến công tỉnh Long An đến năm 2020 hướng tới mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, nhiên liệu,... giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; hỗ trợ ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Tuy đạt nhiều kết quả, song công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến công tác triển khai và hiệu quả đề án hỗ trợ đổi mới thiết bị, máy móc trong sản xuất. Cụ thể, một số quy định trong chính sách khuyến công chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế nên khó mở rộng đối tượng thụ hưởng,...
Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả các đề án khuyến công, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương,...
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Xuân Hồng cho biết: "Với sự hỗ trợ của sở Công Thương thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, những phiên chợ hàng Việt, các DN trên địa bàn tỉnh tham gia quảng bá và bán sản phẩm đạt doanh thu bán hàng khá cao, ký kết nhiều hợp đồng có giá trị và nhiều khách hàng tiềm năng mong muốn được làm đại lý phân phối sản phẩm của một số DN,...". Đây cũng là một trong những hoạt động hỗ trợ DN một cách hiệu quả nhất, nhằm giúp DN đưa thương hiệu vươn xa./.
Song Hồng