Tiếng Việt | English

04/03/2022 - 11:15

Tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Long An để thực hiện các dự án (DA) đã và đang được tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện. Hiện nay, các sở, ngành và địa phương tích cực thực hiện, tạo chuyển biến tích cực, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo động lực quan trọng cho phát triển KT-XH tại địa phương.

Thực hiện tốt bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ tạo ra quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Thực hiện tốt bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ tạo ra quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Xác định dự án trọng điểm, trọng tâm để thực hiện

Ngày 04/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo quỹ đất sạch phục vụ phát triển KT-XH. Nghị quyết nhấn mạnh quán triệt tư tưởng bảo đảm quyền lợi cho các bên, đối với công tác TĐC phải được thực hiện tốt, bảo đảm một cuộc sống tốt cho người dân bị thu hồi đất. Quan điểm, phương châm đưa ra là “được TĐC” thay vì “bị TĐC”,...

Thực hiện Nghị quyết này, UBND tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm, phân công nhiệm vụ cụ thể của từng cấp, từng ngành, địa phương với lộ trình, thời gian phù hợp; xác định rõ những DA trọng điểm, trọng tâm và giao chỉ tiêu giai đoạn và hàng năm để triển khai, thực hiện. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; các tầng lớp nhân dân và người sử dụng đất đối với công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ GPMB, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo đột phá để thu hút đầu tư và bứt phá trong phát triển KT-XH của tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu phát huy mọi nguồn lực để phục vụ công tác GPMB; xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, chính quyền và người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền nơi có DA; là một khâu, công đoạn then chốt, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình triển khai các DA đầu tư; là điều kiện bảo đảm cơ bản tiên quyết, thước đo sự sẵn sàng, quyết tâm của tỉnh và của cả hệ thống chính trị. Trong tổ chức thực hiện phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết. Tỉnh đề ra mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất bằng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh quá trình đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi, thu hút đầu tư, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển công nghiệp, dân cư đô thị, thương mại - dịch vụ của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, TĐC, UBND tỉnh đưa ra chỉ tiêu trong giai đoạn 2021-2025, giải quyết dứt điểm các DA bồi thường tồn đọng; phấn đấu hoàn thành bồi thường, GPMB khoảng 4.000ha đất để phát triển KT-XH, trong đó tập trung các DA thuộc chương trình đột phá, công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, các DA tạo quỹ đất sạch và phát triển khu công nghiệp, khu đô thị mới. Trong giai đoạn 2026-2030, phấn đấu hoàn thành bồi thường, GPMB tối thiểu 5.000ha đất để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh và bền vững của tỉnh.

Trong thực hiện, tỉnh nhấn mạnh phải bảo đảm đặt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất lên trên hết, trước hết. Qua đó, giảm thiểu tình trạng tranh chấp, không để phát sinh “điểm nóng” và giảm dần các vụ việc khiếu kiện, khiếu nại đông người do thực hiện bồi thường, GPMB, TĐC.

Tăng cường đối thoại với người dân trong vùng dự án

Những năm qua, tại nhiều DA vẫn xảy ra khiếu nại, khiếu kiện, bức xúc liên quan đến công tác bồi thường, GPMB, TĐC. Theo đó, việc giải quyết thỏa đáng, bảo đảm các quy định của pháp luật về đất đai cần được đặc biệt quan tâm. Theo ông Nguyễn Văn Thành (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa), thực hiện tốt công tác này cũng có nghĩa sẽ góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương, nhất là những người đứng đầu cấp ủy, địa phương cần tăng cường đối thoại, nắm bắt, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của người dân trong các vùng DA để qua đó xem xét giải quyết kịp thời những hạn chế, tồn tại hoặc bức xúc. Thực tế cho thấy, DA nào được thực hiện đồng bộ, tạo được đồng thuận cao thì việc triển khai thuận lợi.

Trong thực hiện các DA, bồi thường, GPMB, việc tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu, nắm rõ các quy định là rất thiết thực. Bởi trong thực tế, có những vướng mắc do người có đất trong quy hoạch DA chưa hiểu rõ, đầy đủ các quy định, chính sách. Có những DA có người đồng thuận nhưng có người lại không. Do đó, tiến độ thực hiện DA cũng bị ảnh hưởng. “Điều đáng mừng là thời gian qua, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tăng cường gặp gỡ người dân để đối thoại và lắng nghe, giải quyết đúng quy định pháp luật, bảo đảm lợi ích của các bên liên quan. Hy vọng thời gian tới, việc làm này tiếp tục được duy trì, phát huy” - ông Nguyễn Văn Phú, ngụ xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và của hệ thống chính trị về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng trong phát triển KT-XH của tỉnh. Triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bồi thường, GPMB; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC.

Trong bồi thường, GPMB, đặt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất lên trên hết

Trong bồi thường, GPMB, đặt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất lên trên hết

Thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ thường xuyên tham mưu, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, thực hiện lộ trình, thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết; rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến bồi thường, GPMB, TĐC; tham gia xây dựng trình tự, thủ tục về công tác bồi thường, GPMB và TĐC bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, rút ngắn thời gian; nghiên cứu, tham mưu ban hành cơ chế tạo quỹ đất sạch nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, tạo ra quỹ đất sạch để quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Văn Thông, Sở tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, kịp thời phát hiện những vi phạm và kiên quyết xử lý nghiêm. Song song đó là tiếp tục nâng cao khả năng tiếp cận thông tin về đất đai cho người dân và doanh nghiệp; chỉnh lý kịp thời, đầy đủ biến động đất đai./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết