Tiếng Việt | English

26/06/2017 - 15:29

Tìm đầu ra cho nông sản - Bài 1: “Loay hoay” tìm đầu ra

Là tỉnh có sản lượng lúa, rau, thanh long, chanh, mía, heo, gà,... tương đối lớn nên khi thị trường nông sản dao động, cuộc sống nông dân (ND) tỉnh Long An cũng bị ảnh hưởng. Điều đáng nói, đa số nông sản của tỉnh đều tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do đó, suốt nhiều năm qua, đầu ra cho các mặt hàng này luôn là nỗi lo của nhà nông.


Người dân Châu Thành bước đầu chuyển đổi trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao, giải pháp phát triển bền vững

Nỗi lo “được mùa - rớt giá”

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, giá heo hơi trong nước biến động. Những người chăn nuôi tại Long An cũng lao đao vì heo rớt giá “thê thảm”. Nhiều năm qua, thu nhập chính của gia đình bà Nguyễn Thị Đấu, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh chủ yếu dựa vào nuôi heo. Nhưng trước tình hình giá heo hơi quá rẻ, gia đình bà lỗ nặng. Nhìn đàn heo đến đợt xuất chuồng nhưng không bán được vì thương lái không chịu mua, giá quá thấp khiến bà không khỏi xót xa.

Gương mặt buồn rười rượi, người đàn bà khắc khổ nói như muốn khóc: “Vẫn biết chăn nuôi phải lệ thuộc thị trường nhưng chưa bao giờ, tôi thấy giá heo hơi xuống như mấy tháng nay. Chúng tôi bán heo hơi từ 20.000-25.000 đồng/kg nhưng kêu thương lái vẫn kỳ kèo không chịu mua. Heo nuôi đúng lứa phải xuất chuồng chứ không thể nuôi hoài. Vì vậy, tôi đành bấm bụng bán được bao nhiêu thì bán; còn lại, tôi mướn người làm thịt và đi nài nỉ hàng xóm mua giúp. Nhưng hầu như nhà nào cũng nuôi heo nên bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu chứ biết làm sao? Bán hết đợt heo này, tôi tính ngưng nuôi một thời gian, mới tính tiếp”.

Bà Đấu chỉ là một trong rất nhiều trường hợp ND thua lỗ vì giá heo hiện nay. Có một nghịch lý đáng buồn cho ND, trong khi heo hơi tại các chuồng trại có giá “dưới đất” thì tại hệ thống siêu thị và nhiều sạp bán thịt heo ngoài chợ, giá vẫn “trên trời”, không giảm bao nhiêu. Như vậy có thể thấy, chỉ có ND, người trực tiếp chăn nuôi mới chịu lỗ, trong khi thực phẩm đến tay người tiêu dùng thì thay đổi không đáng kể.

Trong lúc giá heo hơi xuống mức thấp kỷ lục và chưa khởi sắc, giá thịt gà và trứng cũng “tụt dốc”. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một vài trang trại, giá gà và trứng rẻ “chưa từng thấy”. Nhiều năm nuôi gà, ông Phạm Văn Năm, ngụ xã Tân Lân, huyện Cần Đước lo lắng “cơn khủng hoảng” tiếp tục đến với ND. Hiện, giá trứng gà tại trang trại của ông chỉ khoảng vài trăm đồng/trứng. Là người có nhiều tâm huyết với chăn nuôi, chứng kiến sự bấp bênh của thị trường, người đàn ông 64 tuổi này đành bất lực.

Ông chia sẻ: “Dịch cúm gia cầm năm 2003 khiến gia đình tôi thâm hụt vốn, kinh tế kiệt quệ. Cách đây mấy năm, vợ chồng mới gầy dựng lại trang trại. Tôi nay lớn tuổi rồi, bao nhiêu vốn đầu tư vào đây nhưng với giá gà và trứng như hiện tại, khó lòng mà vực dậy được!”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Võ Thanh Hồng, không đến mức rớt giá như thịt heo hơi nhưng thịt và trứng gà, thanh long, dưa hấu hay một số mặt hàng nông sản khác thời gian gần đây ở nhiều địa phương trong tỉnh cung vượt quá cầu. Diện tích thanh long của huyện hiện tăng đột biến (hiện toàn huyện có 7.500ha, tăng hơn 6 lần so với năm 2010 là 1.200ha) nhưng có đến 80% thanh long trong huyện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên thiếu tính bền vững. Vì vậy, để không bị lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, tỉnh, huyện cần có nhiều biện pháp giúp ND tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm những thị trường mới ổn định hơn.


Giá gà cũng bấp bênh trong thời gian gần đây

“Giải cứu” nông dân

Suốt nhiều năm nay, các sản phẩm nông nghiệp luôn diễn ra tình trạng cung vượt cầu, khiến điệp khúc “được mùa - rớt giá” luôn bám lấy ND; khó tìm nơi tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ cuối năm 2016 đến nay, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp luôn gặp khó khăn. Nguyên nhân được ngành đưa ra do tỷ lệ sử dụng giống có năng suất cao, chất lượng tốt, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất còn hạn chế, từ đó làm cho giá thành sản xuất và tỷ lệ thất thoát trước, trong và sau thu hoạch còn cao. ND thích làm theo thời vụ, không định hướng thị trường và hầu hết xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm”, mà chưa có sự liên kết,... nên dễ bị thương lái chèn ép, phải bán giá “rẻ mạt” dẫn đến thua lỗ,...

Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp chưa đa dạng, lúa vẫn là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành. Sản phẩm nông nghiệp chưa bảo đảm an toàn; việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân vô cơ, chất kích thích sinh trưởng, ý thức chấp hành xử lý chất thải của một số hộ ND còn thấp;... tác động đến sức cạnh tranh sản phẩm, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ bộc phát dịch hại. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành nông nghiệp của tỉnh còn hạn chế về trình độ, năng lực, nhất là trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế;...

Nhận định được vấn đề này, thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành chuyên môn có nhiều cố gắng, chia sẻ cùng ND trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Với mong muốn giúp các mặt hàng của ND “thoát ế” và có chỗ đứng trên thị trường, nhiều cuộc xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, những buổi hội thảo chuyên đề,... nhất là kết quả bước đầu thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp mở ra một tín hiệu mới. Gần đây nhất là Hội thảo Kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực tỉnh diễn ra ở huyện Cần Giuộc; Hội thảo Kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm chanh không hạt tại huyện Bến Lức;...

Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh dẫn đầu đến Lâm Đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Sau đó là chuyến làm việc của Bí thư Tỉnh ủy tại tỉnh Trà Vinh. Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy kêu gọi Tập đoàn Rynan AgriFoods nghiên cứu đầu tư xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Kế đến là chuyến thăm và làm việc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại của Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Văn Rạnh tại Liên bang Nga, Nhật Bản,...

Khi đời sống người dân ngày càng nâng cao, họ càng chú ý và ưu tiên lựa chọn những sản phẩm sạch, có truy xét nguồn gốc để bảo đảm an toàn,... Như vậy, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chắc chắn có nhiều ưu thế trong thị trường tiêu dùng hiện nay cũng như thời gian tới./.

Thanh Nga-Thanh Mỹ
(Còn tiếp)

Bài 2: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Giải pháp đột phá

Chia sẻ bài viết