Hỗn hợp điều trị có tên LY-CoV1404 hoặc Bebtelovimab của Công ty Eli Lilly & Co có hiệu quả với mọi biến thể của virus SARS-CoV-2 - Ảnh: REUTERS
Đặc phái viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giáo sư David Nabarro bình luận trên đài Sky News rằng thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới đã có thể bắt đầu dự báo được, song trong 3 tháng tới, tình hình y tế toàn cầu sẽ còn rất phức tạp.
Trong phát biểu ngày 10-1, giáo sư Nabarro nhận định: "Tôi lo sợ chúng ta cứ phải chạy cuộc đua marathon này, nhưng chưa thể nói chúng ta đã gần đến đích, dù chúng tôi đã thấy dấu hiệu kết thúc dịch. Trước khi đạt được kết quả đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số đợt gia tăng đột biến về số ca mắc mới".
Theo chuyên gia của WHO, "virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục phát triển" và những biến thể mới sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Các đợt bùng phát có thể xảy ra sau mỗi 3-4 tháng do sự xuất hiện của các biến thể mới.
Đặc phái viên WHO nhấn mạnh cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay rất phức tạp do các nước đang phát triển không đủ khả năng thực hiện những biện pháp hạn chế cứng rắn bởi vì các biện pháp này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc gia.
Tín hiệu mới từ các thuốc điều trị
Một phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng đang được thử nghiệm của Công ty Eli Lilly & Co của Mỹ cho thấy hiệu quả chống lại tất cả các biến thể đã biết của virus corona, trong đó có cả biến thể mới Omicron.
Theo Hãng tin Reuters, hỗn hợp điều trị có tên LY-CoV1404 hoặc Bebtelovimab, trung hòa "mạnh mẽ" nhiều biến thể, bao gồm Alpha, Beta, Delta, Epsilon, Gamma, Iota và Omicron, trong các thí nghiệm trong ống nghiệm.
Các nhà nghiên cứu công bố báo cáo trong tuần qua trên trang bioRxi nhưng kết quả chưa được giới khoa học đánh giá.
Họ cũng lưu ý một loại thuốc kháng thể được thử nghiệm khác của Công nghệ sinh học GlaxoSmithKline và Vir có tên là Sotrovimab cũng vô hiệu hóa được biến thể Delta và Omicron, nhưng Bebtelovimab "có hiệu quả tương tự trong vô hiệu hóa virus ở tất cả các biến thể được thử nghiệm và mạnh hơn gấp nhiều lần".
Theo các nhà nghiên cứu, điều này có thể cho phép dùng Bebtelovimab với liều thấp hơn và tiêm dưới da thay vì tiêm tĩnh mạch.
Người phát ngôn của Eli Lilly cho biết công ty đang làm việc với Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để thuốc Bebtelovimab được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Dự kiến thuốc sẽ được cơ quan chức năng phê duyệt trong quý 1 của năm 2022.
Cũng liên quan đến thuốc trị COVID-19, Tây Ban Nha sẽ mua 344.000 liều thuốc kháng virus trị COVID-19 của Pfizer trong tháng 1-2022. Thuốc có tên Paxlovid, dạng uống, dùng cho người nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ đến trung bình và có nguy cơ diễn tiến nặng. Thuốc có hiệu quả tốt nhất khi dùng ở giai đoạn sớm, trước khi cần nhập viện.
Xét nghiệm nhanh khan hiếm
Lợi ích của xét nghiệm là giúp nhanh chóng xác định ca mới, giúp cách ly sớm người nhiễm virus, từ đó giảm sự lây lan của dịch - Ảnh: REUTERS
Xét nghiệm nhanh hiện khá khan hiếm trên thị trường do nhu cầu tăng vọt trở lại tại các nước đang bùng phát dịch.
Theo Hãng tin Reuters, chính quyền Tây Ban Nha đang tìm cách ban hành quy định để khống chế giá bán lẻ đối với các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19.
Ngày 10/1, Thủ tướng Pedro Sanchez thừa nhận việc thiếu hàng tại rất nhiều nhà thuốc trên cả nước, đẩy giá các bộ xét nghiệm nhanh lên cao khiến dư luận bức xúc. Người dân yêu cầu các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 cần được bán rộng rãi ở cả siêu thị như các nước khác, cụ thể là nước láng giềng Bồ Đào Nha, nơi đang bán xét nghiệm nhanh với giá 3,40 USD (77.000 đồng Việt Nam) mỗi bộ trong siêu thị.
Ngày 10/1, Nhà Trắng cho biết ngay trong tháng này, người Mỹ sẽ có thể đặt các xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí thông qua trang web của chính phủ liên bang. Mỹ cam kết cung cấp 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 cho tất cả người Mỹ trong tháng 1-2022.
Liên quan đến xét nghiệm nhanh, ngày 10-1, Bộ Y tế Israel hướng dẫn người dân nên lấy thêm dịch họng bên cạnh dịch mũi khi tự làm xét nghiệm COVID-19 để tăng khả năng phát hiện virus.
Mặc dù công ty sản xuất không hướng dẫn lấy dịch họng nhưng Bộ Y tế đã thảo luận với công ty và ra hướng dẫn bổ sung này. Theo đó, người dân lấy dịch họng trước và sau đó lấy dịch một bên mũi để tăng khả năng phát hiện virus.
Một nghiên cứu công bố tuần trước trên trang medRxiv, dù chưa được giới khoa học đánh giá, cho rằng xét nghiệm bằng dịch họng phát hiện virus sớm hơn trung bình là 3 ngày so với xét nghiệm lấy dịch từ mũi.
Trước sự lây lan nhanh chóng do biến thể Omicron gây ra, nhà chức trách y tế ở Israel cho biết người dân thuộc các nhóm nguy cơ được ưu tiên làm xét nghiệm PCR và chính quyền nên tin tưởng người dân trong việc tự xét nghiệm tại nhà trong trường hợp họ tiếp xúc với ca COVID-19.
Theo đó, khi tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, người dân nên chờ 3 ngày trước khi làm xét nghiệm nhanh.
Mặc dù COVID-19 do biến thể Omicron lây lan nhanh và làm số ca nhiễm tăng vọt ở nhiều nước, kể cả khi có làm số ca nhập viện gia tăng, số người chết trong đợt dịch này không tăng đáng sợ như với biến thể Delta trước đây.
Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết có thể đã đến lúc sử dụng các thông số khác nhau để theo dõi đại dịch do COVID-19 ít làm chết người hơn. Nhà chức trách đang xem xét giám sát COVID-19 theo cách tương tự như cách họ theo dõi bệnh cúm. Theo đó, sẽ không ghi nhận số ca nhiễm và không cần xét nghiệm tất cả những người có triệu chứng./.
Theo TTO