Tiếng Việt | English

06/05/2019 - 09:24

Toàn dân làm công tác nhân đạo

Dân tộc ta vốn có truyền thống nhân đạo, nhân ái sâu sắc. Truyền thống này được thể hiện qua ca dao, tục ngữ: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Lá lành đùm lá rách”,...

Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống nhân đạo, nhân ái được phát huy, lan tỏa rộng rãi, trở thành nét văn hóa cao đẹp của người Việt Nam, là sức mạnh nội sinh gắn bó, đoàn kết mọi người, củng cố sức mạnh toàn dân tộc.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, quan tâm giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; KT-XH phát triển, chất lượng cuộc sống được nâng cao nhưng vẫn chưa đủ sức bao phủ tới mọi vùng, địa phương, mọi đối tượng. Rất cần những tấm lòng thiện nguyện kết nối, sẻ chia, giúp đỡ những mảnh đời, hoàn cảnh gặp khó khăn trong cuộc sống.

Với vai trò, vị trí của mình, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam các cấp luôn là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, góp phần làm đẹp thêm bản chất tốt đẹp của chế độ và truyền thống nhân ái của dân tộc. Trong tháng 5/2019, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục triển khai Tháng Nhân đạo với chủ đề “Kết nối, sẻ chia và lan tỏa”. Đây là tháng cao điểm toàn dân làm nhân đạo, góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng nhân ái trong các tầng lớp nhân dân và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các lực lượng xã hội trong công tác nhân đạo; thúc đẩy phong trào thi đua làm việc thiện sâu, rộng trong các cơ quan, tổ chức và toàn thể nhân dân, đẩy mạnh công tác vận động nguồn lực tại địa phương hỗ trợ các địa chỉ nhân đạo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên hòa nhập cuộc sống, góp phần xây dựng cộng đồng gắn kết, tương thân, tương ái,... mang lại niềm tin cho những người có hoàn cảnh khó khăn, động viên họ vươn lên trong cuộc sống.

Với mục tiêu huy động và kết nối những trái tim nhân ái, trong Tháng Nhân đạo sẽ tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa kết nối, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, như: Trợ giúp vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, vận động hiến máu nhân đạo, đăng ký hiến tặng mô tạng; tặng thẻ bảo hiểm y tế; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu, phòng ngừa và ứng phó thảm họa; tặng quà các gia đình nạn nhân tai nạn, thương tích và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; vận động và phối hợp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai xây dựng công trình nhân đạo;...

Trong Tháng Nhân đạo, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, làm một việc thiện là thiết thực phát huy truyền thống nhân đạo, nhân ái của dân tộc, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết