Tiếng Việt | English

21/06/2016 - 17:14

Tôi đi làm báo

Nghề nào mà không có những khó khăn, huống chi nghề làm báo lại là nghề đặc thù. Cái quan trọng là phải biết vượt qua khó khăn ấy để trưởng thành hơn, gắn bó lâu dài với nghề mà mình đã chọn - tôi vẫn tự nhủ lòng như thế...


Phóng viên tác nghiệp

1. Tôi - một phóng viên trẻ chỉ mới 25 tuổi, tính đến nay vừa tròn 1 năm công tác. Ngày chập chững chân ướt, chân ráo vào nghề, tôi được cơ quan phân công công tác tại Phòng Xây dựng Đảng, Nội chính và Bạn đọc Báo Long An. Thời điểm ấy, tôi phải nỗ lực thật nhiều khi chọn viết và dấn thân vào những mảng đề tài phản ánh những “góc khuất” của xã hội.

Tôi còn nhớ như in vào khoảng tháng 8-2015, khi được phân công trả lời đơn, thư bạn đọc trên địa bàn huyện Đức Hòa, xoay quanh câu chuyện hy hữu: Thắng kiện 2 lần vẫn không được phép xây dựng hàng rào?! Mặc dù được tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên thắng kiện hơn 1 năm nay nhưng ông Nguyễn Văn T. vẫn không thể xây được hàng rào trên phần đất được cấp sổ đỏ của mình. Vật liệu xây dựng bị rỉ sét, hư hỏng. Bài báo phản ánh kịp thời về việc tranh chấp quyền sử dụng ranh giới đất để xây hàng rào giữa 2 gia đình.

Mới đây, tôi có dịp về Đức Hòa công tác, tôi không quên ghé thăm nhân vật trong bài viết. Một năm trôi qua, khu hàng rào đã được xây dựng khang trang. Tay bắt, mặt mừng, rưng rưng nước mắt khi chủ nhà kể lại quá trình tìm ra chân lý suốt 4 năm ròng rã. Giọt nước mắt xúc động, nụ cười xen lẫn khi công lý được trả lại đúng với những người dân “chân đất” thật thà, chất phác. Có lẽ, kỷ niệm ấy sẽ theo tôi suốt quãng đời làm báo của mình.

Những lần đi tác nghiệp tại cơ sở, sự va chạm thực tế là những tư liệu quý giá, chất xúc tác giúp tôi cho ra đời “những đứa con tinh thần” nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Buồn, vui, vấp ngã trong nghề báo có lẽ là hành trang để tôi tự tin hơn trong việc tạo ra những bài viết mang dấu ấn riêng của chính mình.

Những tác phẩm của tôi có thể chưa sâu sắc, câu văn có thể chưa hay, chưa mượt mà, trau chuốt, nhưng tôi ý thức được rằng, khi tôi viết ra tác phẩm là tôi đang đồng hành cùng những trăn trở của người dân sống xung quanh, cũng là cách để giúp tôi luôn làm mới ngòi bút của mình, để yêu, tự hào về nghề nghiệp.

Dẫu biết rằng, phía trước mình là một chặng đường dài nhưng mỗi phóng viên trẻ như tôi luôn không ngừng cố gắng và nỗ lực, sống hết mình bằng cái tâm của nghề để có những tác phẩm báo chí chất lượng, đáp ứng nhu cầu của xã hội, cổ vũ, biểu dương cái tốt, phản ánh được những mặt trái của cuộc sống đời thường. Mọi sự việc rồi cũng được phơi bày trước ngòi bút “sắc” và luôn giữ lòng “trong” cùng với cái tâm “sáng” của người phóng viên chân chính.

2. Với những người làm báo, khi một bài báo - "đứa con tinh thần" của mình được bạn đọc chấp nhận là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Nhưng để viết được bài báo được nhiều người đón nhận là điều không dễ dàng và nó càng khó khăn hơn đối với một phóng viên trẻ mới chập chững vào nghề.

Bản thân thường xuyên viết về đề tài kinh tế nông nghiệp, tôi nhớ mãi một một bài báo về nghề nuôi vịt xiêm tại xã vùng biên giới Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng. Lúc đó, đây là mô hình mới nhưng thu nhập ổn định, mình viết bài với ý nghĩ đơn thuần giới thiệu để mọi người có thể học hỏi kinh nghiệm, phát triển kinh tế gia đình. Khi “đứa con tinh thần” xuất hiện trên báo, nhiều bạn đọc gọi điện hỏi thăm về mô hình cũng như cách có thể liên hệ trực tiếp với người đã đưa ra mô hình này. Niềm vui như được nhân đôi khi chủ của mô hình và nhiều người chăn nuôi gọi điện cảm ơn vì nhờ bài báo mà có rất nhiều bạn đọc đến địa phương học hỏi kinh nghiệm cũng như mua giống về nhân rộng ra nhiều nơi khác.

Một bài báo hay, tâm đắc hội tụ từ rất nhiều yếu tố như đề tài, kiến thức, khía cạnh khai thác, văn phong, sự đam mê, phải đặt bản thân người viết vào vị trí bạn đọc,... nhưng quan trọng nhất là viết phải có tâm và được bạn đọc đón nhận, trân trọng. Đây là niềm vui, hạnh phúc, liều thuốc tinh thần không nhỏ đối với phóng viên./.

Hùng Anh-Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết