Tiếng Việt | English

26/09/2019 - 15:25

TP.HCM và 45 tỉnh, thành kết nối cung - cầu hàng hóa

Ngày 26/9, tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình, quận Tân Bình, UBND TP.HCM phối hợp Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và 45 tỉnh, thành năm 2019-2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út (bên phải), Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức (bên trái) xem hàng hóa trưng bày của tỉnh Long An

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Lê Thanh Liêm; về phía tỉnh Long An có Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức.

Sản phẩm trưng bày của tỉnh Long An

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, chương trình hợp tác thương mại đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khu vực Đông, Tây Nam bộ. Chương trình hợp tác mang đậm dấu ấn và có sức lan tỏa sâu, rộng, đặc biệt là hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM với các địa phương đã thực hiện trong những năm qua.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang nhấn mạnh, mục tiêu của hội nghị năm nay sẽ tiếp tục là nơi giao lưu giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. Qua đó, hội nghị phát huy vai trò định hướng hoạt động sản xuất chuyển dịch từ “sản xuất cái mình có” sang “sản xuất cái người tiêu dùng cần”.

Ban tổ chức tạo điều kiện giao lưu giữa nhà sản xuất và nhà phân phối để cung ứng sản phẩm

Chương trình kết nối cung - cầu ngoài việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực còn thực hiện liên kết đầu tư phát triển. Hiện doanh nghiệp của TP.HCM đã kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh, thành đầu tư 47 nhà máy, cở sở sản xuất; 81 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành. Tổng vốn đầu tư trên 31.066 tỉ đồng. Trong đó, liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại rau sạch bình quân hơn 3.000 tỉ đồng/năm.

Đến nay, chương trình qua 7 năm thực hiện, quy mô ngày càng mở rộng, hàng hóa dồi dào, phong phú, số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia và ký hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều. Lũy kế đến nay, giữa các địa phương đã ký kết 2.238 hợp đồng nguyên tắc thông qua việc cung ứng hàng hóa giữa đơn vị sản xuất và đơn vị thu mua, cung ứng.

Ngoài cung ứng hàng hóa tiêu thụ trong nước, chương trình kết nối còn phối hợp xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu các loại sản phẩm như thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, văn phòng phẩm, dệt may, nội thất, đồ dùng gia đình,...

Khách hàng xem hàng hóa trưng bày của tỉnh Long An

Với tỉnh Long An, thông qua hội nghị kết nối cung - cầu, chỉ riêng từ năm 2017 đến nay, giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện được 194 hợp đồng cung ứng hàng hóa với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố. Trong đó, năm 2018 - 2019, ký hợp đồng cung ứng hàng hóa với các doanh nghiệp TP.HCM gần 133 hợp đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2017. Từ đó, hàng hóa nông sản của tỉnh tiêu thụ thông qua hợp đồng thương mại ngày càng bền vững hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An -  Nguyễn Văn Út cho rằng, Long An có được kết quả tốt đẹp trong kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa là nhờ vào sự phối hợp của Sở Công Thương TP.HCM, các sở, ngành, doanh nghiệp phân phối của TP.HCM tạo điều kiện để các hợp tác xã, doanh nghiệp của Long An cung ứng hàng hóa.

Ban Tổ chức đánh giá thuận lợi của kết nối cung - cầu như quy mô và hiệu quả của hội nghị ngày càng lan tỏa, số lượng doanh nghiệp tham gia tăng vượt bậc, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng sản phẩm được nâng cao,… Những khó khăn cũng được Ban Tổ chức nêu rõ, như tiềm năng về thế mạnh từng vùng chưa được khai thác triệt để do thiếu sự gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng. Ngoài ra, công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối còn khó khăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất thủ công chưa bảo đảm tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải đề nghị các tỉnh, thành phố trong thời gian tới, phát triển đa dạng loại hình doanh nghiệp tham gia hội nghị này. Từ đó, khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực thương mại trong kết nối vùng. Các tỉnh, thành nên gắn hoạt động của hội nghị với chương trình xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy đổi mới sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tổ chức sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao chất lượng dự báo thị trường.

Người tiêu dùng xem giới thiệu và dùng thử sản phẩm trưng bày

Bên cạnh hội nghị, Sở Công Thương các tỉnh, thành còn tổ chức quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng riêng có. Theo đó, hoạt động này thu hút gần 2.350 đơn vị tham gia. Trong đó, có 588 doanh nghiệp trưng bày 449 gian hàng, giới thiệu hơn 2.000 sản phẩm thuộc đa dạng ngành hàng nông sản, đặc sản địa phương, thực phẩm, rau, củ, quả; thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng. Còn lại là sự tham gia của 1.458 doanh nghiệp cung ứng và 883 doanh nghiệp thu mua, gồm: 42 đơn vị phân phối hiện đại, 100 doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu, 140 nhà hàng đạt chuẩn du lịch, 120 khách sạn chuẩn 3 sao trở lên, 167 doanh nghiệp suất ăn công nghiệp, 314 bếp ăn tập thể trên 500 suất ăn/ngày.

Long An có hơn 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nhằm mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, công nghệ phẩm, thực phẩm chế biến thông qua các nhà phân phối thương mại chủ lực của TP.HCM và các tỉnh trong khu vực./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích