Tiếng Việt | English

14/09/2023 - 10:21

TP.Tân An 'thay áo mới' từ những nghị quyết đúng đắn

Điểm nổi bật của TP.Tân An, tỉnh Long An trong thời gian qua là bộ mặt đô thị khởi sắc, hạ tầng KT-XH có bước phát triển,... Tân An đang hướng đến xây dựng một đô thị thân thiện, văn minh, hiện đại. Tất cả đều nhờ vào những chủ trương, nghị quyết (NQ) đúng đắn.

Kè sông Bảo Định - 1 trong 3 công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.Tân An nhiệm kỳ 2020-2025

Những điểm nhấn

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan tâm, theo dõi, chỉ đạo và hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự phát triển của TP.Tân An. Đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ qua, từ năm 2011 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 2 NQ chuyên đề để xây dựng và phát triển TP.Tân An. Đó là NQ số 02-NQ/TU, ngày 14/78/2011 về xây dựng và phát triển TP.Tân An giai đoạn 2011-2020 và NQ số 35-NQ/TU, ngày 08/4/2022 về xây dựng và phát triển TP.Tân An giai đoạn 2021-2030.

Thời gian qua, với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh cùng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, TP.Tân An đạt nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế ngày càng phát triển, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 30,8 triệu đồng/năm, đến năm 2015 đạt trên 60 triệu đồng/năm, năm 2022 đạt trên 100 triệu đồng/năm. Thu ngân sách nhà nước từ dưới 100 tỉ đồng/năm, đến năm 2022, đạt trên 800 tỉ đồng. Thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2019; đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2019.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh cho biết, NQ Đại hội Đảng bộ TP.Tân An, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiệm vụ xây dựng thành phố cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 theo hướng đô thị thân thiện, văn minh, hiện đại. Thời gian qua, thành phố nỗ lực, tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình động lực của tỉnh; 3 công trình trọng điểm và 2 chương trình đột phá theo NQ Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.

Dự án nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62 (công trình động lực của tỉnh) vừa hoàn thành. Ba công trình trọng điểm: Công viên phường 2 - giai đoạn 2; dự án kè sông Bảo Định; hệ thống thoát nước chống ngập trong khu vự­­­­­c nội thành “về đích” trước 2 năm so với tiến độ đề ra. Những công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo động lực cho sự phát triển của thành phố.

Nút giao đường Hùng Vương-Quốc lộ 62 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng

Qua nửa nhiệm kỳ, thành phố đạt 15/17 chỉ tiêu NQ Đại hội XI Đảng bộ thành phố đề ra. Từ đó làm cho diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư tưởng chủ đạo là hình thành 2 hành lang, 1 trung tâm, 3 vùng phát triển và 6 trục động lực, TP.Tân An được xác định là trung tâm của tỉnh. Ngoài ra, trong NQ Đại hội X Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định 2 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm; NQ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định 3 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm, đều có dự án đầu tư trên địa bàn TP.Tân An. Trong đó, phải kể đến đường Vành đai TP.Tân An (gồm cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây). Đây là tiền đề quan trọng để TP.Tân An nỗ lực xây dựng trở thành đô thị loại I vào trước năm 2030.

Phải xứng đáng là “trái tim” của tỉnh

Góp ý để TP.Tân An phát triển hơn nữa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Lê Thanh Tâm cho rằng: “Việc thực hiện các công trình trọng điểm sẽ giúp thành phố đẹp, khang trang hơn. Tất nhiên, ai cũng muốn có thêm nhiều công trình nữa để thành phố phát triển nhưng vấn đề là nguồn lực. Vì vậy, đề nghị các đồng chí cân nhắc, khi đưa ra một công trình nào đó thì phải tính tới nguồn lực thực hiện”.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy - Phạm Thanh Phong nói: “Tôi thật sự rất vui mừng khi chứng kiến thành phố có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, để đáp ứng sự kỳ vọng, mong đợi của người dân, thành phố cần quan tâm đầu tư, xây dựng những công trình xứng tầm, mang dấu ấn,... Muốn vậy, tỉnh cần hỗ trợ nguồn vốn cho thành phố. Đồng thời, thành phố phải đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng công tác phát triển cán bộ để phù hợp với thời đại công nghệ 4.0”.

Hạ tầng giao thông được đầu tư (trong ảnh: Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây)

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh  - Nguyễn Văn Được nhấn mạnh,  Tân An cần khơi dậy khát vọng xây dựng thành phố thân thiện, văn minh, hiện đại, phát huy truyền thống cách mạng, sức mạnh nội sinh và đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, cần phát triển thành phố xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, phải thật xứng đáng là “trái tim” của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu lãnh đạo TP.Tân An phải tháo gỡ các “nút thắt”, khơi thông các “điểm nghẽn” trong tổ chức triển khai nhiệm vụ, nhất là hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số. Đặc biệt là phải sát dân, gần dân, trọng dân, nghiêm túc lắng nghe, giải quyết kịp thời các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Bên cạnh đó, thành phố cần triển khai, thực hiện đồng bộ 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo NQ số 35 của Tỉnh ủy gắn với thực hiện quy hoạch vùng TP.Tân An và Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, thành phố cần tập trung rà soát, hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I với tinh thần thực chất, khách quan, không chạy theo thành tích, vì một thủ phủ sinh thái, văn minh, hiện đại, thông minh, có điểm nhấn, tạo sức bật rõ nét cho nhiệm kỳ 2025-2030./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết