Vụ việc một cô gái bị rơi xuống sông tử vong khi đang lưu thông trên cầu sắt An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức gây bức xúc trong dư luận vì cầu đang được tháo dỡ nhưng lối đi vào cầu vẫn không được rào chắn, hay lắp biển cảnh báo cho người đi đường. Đây là bài học chung trong việc bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm đối với đơn vị thi công.
Thời gian qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta biết đến không ít vụ tai nạn thương tâm do đơn vị thi công các công trình giao thông, công trình xây dựng,… không rào chắn hoặc cắm biển cảnh báo. Có những công trình thi công hạ tầng giao thông, nhà thầu không treo biển công bố thông tin, không có người hướng dẫn điều tiết giao thông và không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện thi công khi đã hoàn tất,… gây mất trật tự, ùn tắc giao thông, thậm chí mất an toàn đối với người tham gia giao thông. Điều này đã được các đơn vị kiểm tra, giám sát nhắc nhở nhiều khi phát hiện nhưng vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, có những công trình xây dựng không rào chắn, để trẻ em vào vui chơi rồi rơi xuống hố sâu tử vong, điều này đã từng xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh.
Từ những vụ việc trên, yêu cầu về nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với nhà thầu, đơn vị thi công càng được đặt ra hơn bao giờ hết. Bởi đằng sau sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm ấy là nguy cơ mất an toàn rình rập tính mạng con người. Vụ việc xảy ra ở cầu An Thạnh dù còn đang trong quá trình điều tra, nhưng qua đó cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong việc bảo đảm an toàn khi thi công các công trình. Công tác kiểm tra, giám sát trên các công trường cần được quan tâm nhiều hơn và thực hiện thường xuyên. Người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, khi phát hiện những công trình thi công không bảo đảm an toàn nên kịp thời phản ánh, để không còn những vụ việc đáng tiếc xảy ra./.
Khánh Tâm