Tiếng Việt | English

08/08/2021 - 11:54

Tràn lan kit xét nghiệm nhanh COVID-19, thấy âm tính đừng chủ quan

Các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 hiện đang được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử hoặc các hội, nhóm trên mạng xã hội. Người dân có nhu cầu có thể dễ dàng mua sử dụng với giá hơn 200.000 đồng.

Người dân tự xét nghiệm nhanh COVID-19 bằng loại kit test của Hàn Quốc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều sản phẩm xét nghiệm nhanh COVID-19 (kit test COVID-19) chưa được cấp phép có thể cho kết quả không chính xác, làm người dương tính COVID-19 vẫn có kết quả âm. Điều đó khiến người dùng chủ quan trong sinh hoạt, giao tiếp… gây nguy cơ lây lan bệnh cho người thân và cộng đồng.

Giá nào cũng có

Trên ứng dụng di động của một sàn thương mại điện tử nổi tiếng ở Việt Nam, chúng tôi tìm thấy nhiều nơi đang rao bán bộ kit test nhanh COVID-19 dùng tại nhà. Một gian hàng trên sàn này đang rao bán sản phẩm có tên gọi Realy Tech có xuất xứ từ Trung Quốc với giá chỉ 230.000 đồng. 

Theo quảng cáo của chủ gian hàng, người dùng chỉ cần lấy que quẹt nước bọt của mình là có thể biết kết quả có bị nhiễm hay không. Shop cam kết bán hàng chính hãng 100%, không bán hàng kém chất lượng, cam kết đổi trả, bảo hành, tư vấn khách hàng trọn đời…

Trên một sàn thương mại điện tử khác, rất nhiều cá nhân cũng rao bán các bộ test nhanh COVID-19 dùng tại nhà với lời quảng cáo "sản phẩm xách tay do người thân ở nước ngoài gửi về". Giá bán các sản phẩm này từ 300.000 đồng trở lên, nếu mua nguyên hộp giá có thể giảm xuống chỉ còn 1 triệu đồng/bộ/5 kit.

Trên mạng xã hội, chúng tôi thử đăng tải thông tin cần mua một bộ test nhanh COVID-19 dùng ở nhà. Chỉ chưa đến 1 phút, 5 tài khoản đã "bay" vào nhắn tin chào bán các bộ kit xét nghiệm với giá cực kỳ ưu đãi. 

Một tài khoản có tên N.T. quảng cáo: "Bộ kit xét nghiệm chúng tôi bán chỉ có giá bằng một nửa so với giá công bố của Bộ Y tế. Bây giờ mà muốn test nhanh phải ra phòng khám sàng lọc triệu chứng, rồi dễ bị lây nhiễm, chưa kể giá cao nên đa số người dân đều muốn mua test về tự test cho an toàn". 

Sản phẩm N.T. chào bán cho chúng tôi là bộ test Humasis COVID-19 của Hàn Quốc (đã được Bộ Y tế cấp phép) với giá chỉ 120.000-125.000 đồng/test nếu mua lẻ, còn lấy với giá sỉ chỉ 118.000 đồng/test. N.T. giới thiệu mình là dân ngành y và không bao giờ nhập hàng nhái và kém chất lượng. Người này còn mách nước nếu chúng tôi mua về và bán theo đúng giá của Bộ Y tế thì cũng đã lời hẳn một nửa (?).

Trong khi đó, một tài khoản khác có tên T.T. lại chào bán bộ kit xét nghiệm nhanh BioCredit COVID-19 (đã được Bộ Y tế cấp phép) của Hàn Quốc có giá chỉ 115.000 đồng/test. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về giấy tờ nguồn gốc xuất xứ, tài khoản này chỉ đưa ra danh mục sản phẩm đã được cấp phép theo danh mục của Bộ Y tế.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do tình hình giãn cách nên nhiều người đã chọn mua trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, group hội nhóm. Đáp ứng nhu cầu đó, người bán và sản phẩm kit test cũng xuất hiện như "nấm mọc sau mưa" với giá bán cũng rất đa dạng, từ hơn 100.000 đồng/test cho đến gần cả triệu đồng... 

Nhiều người bán còn khoe hình chụp giấy của Bộ Y tế chứng nhận tên sản phẩm mình bán đã được cho phép, nhưng không ai biết giấy xác nhận có bị làm giả không và kit test bán có đúng loại không...

Qua thông tin thu thập từ hoạt động quảng cáo, Bộ Công thương cho biết các bộ kit đang bán trên mạng chủ yếu là hàng trôi nổi hoặc là hàng xách tay không có hóa đơn chứng từ, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Một loại kit xét nghiệm của Hàn Quốc được người dân mua trên mạng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không chủ quan khi test nhanh âm tính

Trước tình trạng tràn lan bộ kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc bán trên mạng, Bộ Y tế đã ban hành danh sách 16 loại kit test đã được cấp phép, đồng thời khuyến cáo người dân không nên mua các sản phẩm không có tên trong danh sách. 

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường có độ nhạy thấp, kết quả không chính xác. Người dân khi thử ra kết quả âm tính sẽ mất cảnh giác, đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong khi thực tế kết quả đó có thể là dương tính dẫn đến nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đã yêu cầu các nhà thuốc bán các test nhanh phải đăng ký chức năng kinh doanh trang thiết bị y tế. Nhà thuốc chỉ được mua test nhanh do Bộ Y tế cấp phép lưu hành và phải mua từ các nhà cung ứng hợp pháp (đã được công bố theo quy định).

Ngay cả trong trường hợp mẫu thử âm tính, người dân cũng không nên chủ quan vì vẫn có xác suất sai số nhất định.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM - Dương Anh Đức

Ngày 5/8, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cũng khuyến cáo người dân phải hết sức thận trọng khi mua kit test nhanh trên mạng. 

Cụ thể, mức độ chính xác của test nhanh phụ thuộc vào kỹ thuật lấy mẫu, cách lấy và thời gian thực hiện. Thể trạng người được lấy mẫu cũng có thể tạo ra sai số nhất định. Tốt nhất người dân nên mua kit test nhanh tại "các cửa hàng trang thiết bị y tế hoặc các nhà thuốc có đăng ký", ông Đức khuyến cáo.

Đặc biệt, ông Đức lưu ý các kết quả test nhanh vẫn có sai số nhất định, kể cả âm tính hay dương tính. Trong trường hợp kết quả nghi ngờ dương tính, người dân cần bình tĩnh và liên hệ ngay cơ sở y tế, trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện gần nhất để được hỗ trợ. Ngay cả trong trường hợp mẫu thử âm tính, người dân cũng không nên chủ quan vì vẫn có xác suất sai số nhất định. Khi mẫu thử âm tính nhưng có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở, mất vị giác, người dân vẫn cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất.

Bộ kit xét nghiệm tại nhà của Standard Q xuất xứ Hàn Quốc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chỉ nên mua tại những website có đăng ký

Theo khuyến cáo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương.

Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…), thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng…

Đặc biệt, nếu mua hàng online, người dùng chỉ mua sản phẩm kit test COVID-19 ở các đơn vị là các cửa hàng thuốc có uy tín, đã được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành.

Nếu mua hàng qua các trang mạng xã hội, người dùng cần tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng. Các đơn vị bán là các cửa hàng thuốc được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục được phép lưu hành.

Tuyệt đối không nên mua ở những fanpage trên Facebook không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì người bán cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể...

 

Ai được phép bán kit test nhanh?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay tại thành phố một số nhà thuốc có đăng ký bán thêm các trang thiết bị y tế thì được bán thêm các loại kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 được Bộ Y tế cho phép lưu hành dưới dạng nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước.

Tương tự, hiện có nhiều cơ sở cũng đăng ký kinh doanh trang thiết bị y tế và nơi này cũng được phép bán các loại kit test như trên. Người dân có thể mua kit test nhanh tại các địa điểm được phép kinh doanh theo quy định như trên.

 

Test nhanh chỉ cho kết quả chính xác khi có nồng độ virus cao

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế - cho biết hiện nay đã có một số loại kit test xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 được Bộ Y tế cho phép lưu hành dưới dạng nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước.

PGS Trần Đắc Phu lưu ý test nhanh chỉ có kết quả chính xác cao khi người nhiễm đang có nồng độ virus cao (ví dụ người nhiễm đang bị sốt, ho chẳng hạn), còn khi nồng độ virus thấp thì test nhanh này lại cho kết quả ít chính xác hơn. Như vậy, người sau khi nhiễm từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh thì kết quả cũng chính xác hơn, còn xét nghiệm sau ngày đó kết quả ít chính xác.

Ông Phu khuyến cáo người dân không nên lo lắng quá mà đi xét nghiệm khi không cần thiết, chỉ xét nghiệm khi mình có triệu chứng nghi ngờ hoặc có nguy cơ đã tiếp xúc với người F0 để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc không cần thiết. Tốt nhất vẫn là thực hiện tốt 5K, không vì có kết quả xét nghiệm âm tính mà chủ quan, lơ là phòng bệnh.

THÙY DƯƠNG

 

Đã có nhiều hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Theo bà Lê Quỳnh Mai, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, từ khi dịch bùng phát tại Bắc Giang đã có nhiều video hướng dẫn tự lấy mẫu.

Ông Nguyễn Tử Hiếu, phó vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế, cũng cho biết về mặt kỹ thuật, lấy mẫu tại nhà không khó khăn. Thế nhưng không ít người dân có thể không nắm được cách dùng bộ test và lấy mẫu không đảm bảo để xét nghiệm, khi ra kết quả (có thể sai) rồi thì có tâm lý chủ quan nếu âm tính.

Ông Hiếu khuyến cáo ở những vùng dịch có số ca mắc lớn như ở TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam, người dân có thể sử dụng bộ test nhanh để xét nghiệm. Thế nhưng do COVID-19 là bệnh truyền nhiễm, sau khi lấy mẫu và không tiêu hủy mẫu đúng quy định có thể làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh ra môi trường. Vì vậy nếu tiến hành xét nghiệm tại nhà, người dân tự lấy mẫu xong và xét nghiệm test nhanh dương tính thì cần lưu mẫu và bảo quản để tránh lây nhiễm và gửi đến cơ quan y tế để xét nghiệm khẳng định.

Theo ông Hiếu, hiện Bộ Y tế đã cho phép lưu hành 16 sản phẩm test nhanh COVID-19, chủ yếu là sản phẩm xuất xứ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc. Về độ chính xác, đa số công bố mức độ chính xác trên 80%. Do đó khi người dân mua các loại test nhanh COVID-19 thì cần tìm hiểu kỹ và chỉ mua những loại có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, những sản phẩm đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành.

L.ANH

 

Ngày 1/8, Bộ Y tế đã cập nhật 16 loại kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được cấp phép sử dụng:

1. Panbio COVID-19 Ag Rapid Test Device của Hàn Quốc

2. Espline SARS-CoV-2 của Nhật Bản

3. Standard Q COVID-19 Ag Test của Hàn Quốc

4. Humasis COVID-19 Ag Test của Hàn Quốc

5. SGTi-flex COVID-19 Ag của Hàn Quốc

6. Panbio COVID-19 Ag Rapid Test Device (Nasal) của Hàn Quốc

7. BioCredit COVID-19 Ag (mã sản phẩm: G61RHA20) của Hàn Quốc

8. CareStart COVID-19 Antigen của Mỹ

9. GenBody COVID-19 Ag của Hàn Quốc

10. Asan Easy Test COVID-19 Ag của Hàn Quốc

11. SARS-CoV-2 Rapid Antigen Test của Hàn Quốc

12. Flowflex SARS-CoV-2 Antigen Rapid Test của Trung Quốc

13. Biosynex COVID-19 Ag BSS của Pháp

14. V Trust COVID-19 Antigen Rapid Test của Đài Loan

15. COVID-19 Ag của Hàn Quốc

16. Trueline COVID-19 Ag Rapid Test của Việt Nam.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết