Tiếng Việt | English

04/12/2023 - 09:09

Trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại cho học sinh

Thời gian qua, các vụ bạo lực, xâm hại có chiều hướng gia tăng. Để trang bị cho học sinh (HS) những kiến thức, kỹ năng tự vệ, năm học 2023-2024, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh Long An tổ chức chương trình trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại, tự vệ cho HS THCS tại tất cả các trường THCS, tiểu học (TH) & THCS trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh chia sẻ thông tin về các kỹ năng tự vệ cho học sinh

Cán bộ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh chia sẻ thông tin về các kỹ năng tự vệ cho học sinh

Việc trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, phòng, chống ma túy trong học đường sẽ giúp các em có thể tự bảo vệ mình khỏi các hành vi xâm hại, khi gặp những tình huống nguy hiểm.

Cụ thể, cấp tỉnh trực tiếp thực hiện 15 hoạt động tại 15 trường THCS, TH&THCS. Các đơn vị cấp huyện tiếp tục triển khai tại tất cả các trường THCS, TH&THCS còn lại trên địa bàn, bảo đảm trong năm học tổ chức hoạt động tại 100% trường THCS, TH&THCS trên địa bàn tỉnh.

Buổi tuyên truyền tại Trường THCS Nguyễn Văn Chiêu (huyện Tân Trụ) diễn ra trong không khí sôi nổi, cởi mở và háo hức của gần 500 HS. Trong hơn 2 tiếng, qua những câu chuyện cụ thể, các câu hỏi giao lưu về các tình huống trong cuộc sống, các em hiểu được những điều cần làm khi giao tiếp với người xung quanh; biết phân biệt hành vi xâm hại trẻ em; sự khác biệt giữa giới tính nam và giới tính nữ; những vùng nhạy cảm trên cơ thể mà không thể cho người khác tùy tiện chạm vào;...

Buổi truyền thông cung cấp cho HS một số thông tin, tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân, tác hại của ma túy và các biện pháp phòng, chống ma túy cho HS.

Em Phan Thị Xuân Khánh - HS lớp 9A4, Trường THCS Nguyễn Văn Chiêu, chia sẻ: “Sau buổi truyền thông, em biết cách phòng tránh bạo lực, xâm hại. Em không tiếp xúc, không đi chơi với người lạ, không đi một mình ở những nơi vắng vẻ. Nếu người lạ tiếp cận thì phải từ chối và báo ngay cho cha mẹ, thầy cô, người mình tin cậy,... Em sẽ chia sẻ cho bạn bè cùng biết vì đây là những kiến thức rất hữu ích”.

Thiếu tá Phùng Thanh Anh Tuân - cán bộ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh, cho biết: “Đến nay, chúng tôi phối hợp tuyên truyền được 5 điểm trường. Trong chuỗi hoạt động lần này, chúng tôi xây dựng nội dung hướng tới độ tuổi HS THCS với những kiến thức cơ bản, dễ hiểu về thực trạng, hình thức, nguyên nhân, hậu quả của việc bị bạo lực, xâm hại đối với lứa tuổi HS; tác hại của ma túy trong học đường. Đặc biệt, đưa vào các tình huống giả định, giúp các em nhận biết, phòng tránh và chủ động chia sẻ với người lớn về những vấn đề trong cuộc sống. Từ đó, gia đình, nhà trường có thể kịp thời nắm bắt, can thiệp, phòng ngừa các nguy cơ với con em mình”.

Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh - Phạm Văn Hậu cho biết: Qua chương trình, HS THCS trở nên tự tin và biết cách xử lý khi đối mặt với những tình huống nguy hiểm. Chương trình cũng giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên, giáo viên, HS, cha mẹ HS về phòng, chống xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ em, HS.

Lá chắn bảo vệ vững vàng nhất với các em vẫn là kiến thức, kỹ năng để có thể tự nhận biết nguy cơ mất an toàn, kịp thời phòng tránh và bảo vệ bản thân./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết