Tiếng Việt | English

20/04/2017 - 11:24

Trang bị kỹ năng sống cho học sinh

Hướng tới sự phát triển toàn diện của học sinh, ngoài thay đổi phương pháp giảng dạy, các trường tiểu học còn thực hiện nhiều mô hình, trong đó, mô hình giáo dục đạo đức, kỹ năng sống (KNS) mang lại hiệu quả thiết thực.

Học sinh ý thức trong việc dọn vệ sinh lớp học

Giáo dục qua các giờ học

Ở bất cứ bài học nào của chương trình phổ thông cũng có tính giáo dục sâu sắc. Thông qua các bài học, học sinh không chỉ được truyền thụ kiến thức mà còn hình thành phẩm chất đạo đức cần thiết. Tuy nhiên, hiệu quả giáo dục còn phụ thuộc phương pháp dạy của giáo viên (GV). Do đó, để nâng cao hiệu quả các tiết học, giáo viên cần thay đổi phương pháp dạy. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), giáo viên chú trọng việc tích hợp giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh thông qua các môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Trường chú trọng các môn: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên xã hội, An toàn giao thông. Trong đó, môn Tiếng Việt, giáo viên giáo dục cho học sinh lòng yêu quê hương, đất nước, con người thông qua từng bài tập đọc. giáo viên dạy học sinh các kỹ năng giao tiếp xã hội như viết thư, điền vào giấy in sẵn, kể chuyện được chứng kiến hoặc có tham gia,... từ đó, lồng ghép cụ thể qua các tình huống giao tiếp khác nhau. Hay ở môn Khoa học, Kỹ thuật, ngoài việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng sống cơ bản, giáo viên còn dạy học sinh biết cách phòng một số bệnh do thừa, thiếu chất dinh dưỡng, biết tự vệ sinh cá nhân, tham gia hoạt động và nghỉ ngơi hợp lý,...

"Ngoài tích hợp vào các môn học, nhà trường còn giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Thông qua sinh hoạt chủ điểm hàng tuần, trường giáo dục học sinh lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô, người lớn tuổi. Ngoài ra, với các hoạt động thực tế: Thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc bia tưởng niệm, tham quan di tích lịch sử,... học sinh được bồi dưỡng về nhân cách. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng tổ chức các hoạt động văn nghệ, vui chơi, giải trí, thể thao, giúp các em mạnh dạn, tự tin phát huy năng khiếu, sở trường và nâng cao tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái" - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu - Võ Thị Ngon chia sẻ.

Cùng với những hoạt động trên, các trường còn phối hợp 3 môi trường giáo dục - nhà trường, gia đình và xã hội, đặc biệt phát huy vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh. Từ đó, học sinh được sự quan tâm, chăm lo trong việc học tập, rèn luyện đạo đức và có thêm các kỹ năng sống cần thiết ở lứa tuổi tiểu học.

Học sinh có nhiều tiến bộ

Thông qua các hoạt động giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, học sinh dần có những thay đổi theo hướng tích cực. Hầu hết học sinh có kỹ năng giao tiếp phù hợp với đối tượng mà các em tiếp xúc; kỹ năng lao động, tự phục vụ những việc phù hợp với học tập, sinh hoạt ở trường và gia đình. Cô Phạm Thị Bích Tuyền - giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2, Trường Tiểu học Võ Văn Ngân (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) cho biết: "Đa số học sinh khu vực thị trấn, khả năng tự phục vụ không bằng học sinh ở vùng nông thôn, tuy nhiên, nhờ tích cực giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, các em có tiến bộ rõ. Nhiều em biết tự lập như tự chuẩn bị đồ dùng học tập, lau quét bàn ghế, dọn dẹp sau khi ăn xong, tự rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó, các em cũng có nhiều thay đổi trong giao tiếp: Lễ phép với thầy, cô giáo; lịch sự, hòa nhã với bạn bè; biết quan tâm mọi người xung quanh".

Học sinh học kỹ năng sống thông qua các câu lạc bộ

Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi bước vào Trường Tiểu học Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng là hình ảnh các em học sinh nhanh nhẹn, lễ phép. Em Trần Lê Huyền Trân - học sinh lớp 5/2 chia sẻ: “Trong lớp, cô giáo em thường dạy gặp người lớn phải lễ phép chào hỏi; đi học về phải khoanh tay chào ông bà, cha mẹ; hòa nhã với bạn bè; biết thương yêu, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn,...”. Nhằm giáo dục, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh tiểu học, hàng năm, Trường Tiểu học Vĩnh Bình luôn chủ động lập kế hoạch. Năm học 2016-2017, trường phối hợp các cấp, các ngành, cha mẹ học sinh tổ chức giáo dục đạo đức, kỹ năng sống thông qua việc cho học sinhchăm sóc bia truyền thống ở địa phương. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức thực hiện các mô hình giáo dục đạo đức, kỹ năng sống: Nuôi heo đất, Ngày hội đọc sách,... Trường phối hợp Nhà Thiếu nhi huyện mời chuyên gia tổ chức lớp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học, với chủ đề “Sống để yêu thương” thu hút trên 200 học sinh tham gia. Qua lớp học, các em được giáo dục kỹ năng gần gũi với bạn bè, thầy cô, cha mẹ, rèn luyện tính kỷ luật; kỹ năng tự phục vụ; học làm người con hiếu thảo;...

Đối với học sinh khối lớp 5 thì việc chuẩn bị hành trang cho các em bước vào lớp 6 là điều quan trọng. Vì vậy, Trường Tiểu học Vĩnh Bình phối hợp các trường THCS trên địa bàn tổ chức lớp học cầu nối cho học sinh khối lớp 5. Tại đây, các em được thầy cô giới thiệu về trường, những quy định mới đối với học sinh khối lớp 6. Qua đó, hình thành sự tự tin và thúc đẩy niềm đam mê học tập của các em.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Bình - Kiều Thị Kim Tuyết thông tin: "Thời gian qua, việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh được trường quan tâm thực hiện thường xuyên trong quá trình giảng dạy và giáo dục. Qua đó, giúp các em chăm ngoan, lễ phép, trở thành con ngoan, trò giỏi".

Học sinh tìm hiểu lịch sử Nguyễn Văn Siêu

Mô hình thực sự mang lại hiệu quả thiết thực cho học sinh, các em được bổ sung nhiều kiến thức mới ngoài sách giáo khoa, những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Tuy nhiên, cũng còn nhiều học sinh chưa tự lập, ỷ lại vào cha mẹ, thầy cô, kỹ năng sống còn hạn chế. Do đó, ngoài việc tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình, các trường đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Theo đó, các trường tăng cường tổ chức thực hành giáo dục kỹ năng sống, đưa ra các tình huống cho học sinh giải quyết. Đồng thời, phát huy vai trò của các mô hình, câu lạc bộ trong trường học nhằm giúp học sinh rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống hiệu quả hơn./.

Ngọc Sương-Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết