Tiếng Việt | English

26/12/2017 - 15:07

Trao 672 bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sĩ

Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, có đến 148 trường hợp đã hy sinh trên 70 năm, đến nay mới được công nhận liệt sĩ.

Sáng nay (26/12), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã long trọng tổ chức Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho 672 thân nhân liệt sĩ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân các liệt sĩ

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu người có công với cách mạng. Trải qua các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ lên đường không bao giờ nghĩ đến giấy tờ riêng cho mình và cũng không giữ được giấy tờ gốc...

Trong nhiều năm qua, dù các cơ quan chức năng đã hết sức nỗ lực song vẫn chưa thật sự mang lại kết quả như mong muốn, nguyện vọng của người có công và thân nhân. Đây là điều trăn trở và day dứt đối với thế hệ ngày nay, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp.

“Trong số công nhận liệt sĩ hôm nay, chúng ta rất cảm động và day dứt bởi có đến 148 trường hợp hy sinh cách đây trên 70 năm (có trường hợp 86 năm). Như cụ Phan Văn Viễn, sinh năm 1895 tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, hy sinh năm 1948 trên đường đi họp theo giấy triệu tập của ủy ban kháng chiến xã bị giặc Pháp phục kích bắt giam và tra khảo, do không khai báo nên địch bắn chết.

Cụ Bùi Văn Bính sinh năm 1901, quê xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, hy sinh năm 1941, là là tổ trưởng Hội nông dân phản đế tham gia đánh đổ địa chủ Sáu Thi bị bắt đày ra Côn Đảo tra tấn đến chết. Hay cụ Nguyễn Văn Tơ sinh năm 1920 tại xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố  Hải Phòng là du kích xã hy sinh năm 1948. Khi đang làm nhiệm vụ cụ bị địch vây bắt, bắn chết chặt đầu, bêu đầu để uy hiếp tinh thần nhân dân... và còn rất nhiều những trường hợp cá biệt khác”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ. 

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, sáng tạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác xác nhận tồn đọng sau chiến tranh.

Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước về việc thực hiện chính sách ưu đãi xã hội, cần phát huy các kết quả đã đạt được trong việc xác nhận hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh vừa qua, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách để thực hiện việc xác nhận người có công với cách mạng, không để người hy sinh vì cách mạng, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được xác nhận là liệt sĩ, người bị thương chưa được xác nhận là thương binh. Để phần nào bù đắp được những đau thương, mất mát của người có công và gia đình./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích