Tiếng Việt | English

20/12/2015 - 09:31

Tín dụng chính sách xã hội

Trao "cần câu" cho người nghèo

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Long An có hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững nhờ đồng vốn chính sách. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.


Từ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ nông dân vùng hạ đầu tư nuôi tôm và thoát nghèo bền vững

Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Long An - Nguyễn Trọng Điệp, tổng nguồn vốn trên toàn tỉnh đến tháng 11-2015 đạt trên 2.358 tỉ đồng, tăng 211 tỉ đồng (tăng 9,8%) so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn Trung ương phân bổ là 2.249 tỉ đồng, chiếm 95,4%/tổng nguồn vốn, tăng 191 tỉ đồng (tăng 9,3%) so với đầu năm; nguồn vốn địa phương là 108 tỉ đồng, chiếm 4,6%/tổng nguồn vốn, tăng 19,6 tỉ đồng (tăng 22%) so với đầu năm.

Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, trong năm 2015, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã nhận ủy thác các nguồn vốn tại địa phương tăng 19,6 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh chuyển sang 5 tỉ đồng, ngân sách huyện chuyển sang 900 triệu đồng, còn lại là nhận ủy thác từ các sở, ngành để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.

Ông Nguyễn Trọng Điệp cho biết, hoạt động tín dụng chính sách xã hội giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách ổn định việc làm, từng bước tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay ưu đãi hiện nay tại NHCSXH tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Ngoài nguồn vốn Trung ương phân bổ, nhu cầu vay vốn thuộc các chương trình, đối tượng phải sử dụng bằng nguồn vốn địa phương trên địa bàn tỉnh là rất lớn (khoảng 250 tỉ đồng). Từ nguồn vốn tín dụng chính sách tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm nông dân.

Tổ vay vốn ấp 1, xã Phước Đông, huyện Cần Đước là một trong những điểm sáng về hiệu quả của chương trình vay vốn hộ nghèo. Ấp hiện có trên 50 hộ đăng ký tham gia, tổng số tiền vay hơn 700 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Nổi bật là các tổ hợp tác ươm cá giống, nuôi tôm và nuôi heo nái, trong đó, khoảng 7 hộ nuôi xen canh cá giống và thả tôm.

Hộ gia đình anh Văn Văn Công, từ 14 triệu đồng vay vốn ban đầu, anh đầu tư nuôi tôm, nuôi gà và thoát nghèo năm 2014. Để tiếp tục tạo điều kiện giúp anh thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả, NHCSXH giải ngân cho anh Công thêm 50 triệu đồng phát triển sản xuất. Với nguồn vốn này, anh thử nghiệm nuôi 200 con vịt trên đầm tôm rộng 40 sào. Lợi ích của mô hình này là không tốn nhiều tiền mua thức ăn cho tôm, bởi tận dụng nguồn thức ăn dư thừa và phân vịt.

Ông Võ Văn Vị - Tổ trưởng Tổ vay vốn ấp 1, xã Phước Đông, huyện Cần Đước cho biết, trong các năm qua, tổ vay vốn do ông quản lý có 40 hộ thoát nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống từ nguồn vốn vay chính sách. Riêng mô hình nuôi vịt trên đầm tôm của gia đình anh Công đang được thử nghiệm, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng cho các hộ khác tại địa phương.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Nhanh cho rằng, nhờ nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH giúp nhiều học sinh, sinh viên có chi phí để trang trải việc học tập, không phải bỏ học; nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hộ dân ở vùng nông thôn được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cải thiện thu nhập vươn lên thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống… Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện tham gia thiết thực, hiệu quả vào các chương trình mục tiêu của tỉnh, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Trong năm 2015, ngân sách tỉnh chuyển đến NHCSXH 5 tỉ đồng, trong những năm tiếp theo, tùy vào khả năng cân đối của ngân sách mà có sự điều chuyển phù hợp. Đặc biệt, để triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, nâng cao chất lượng chính sách tín dụng, trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan cần xác định hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của địa phương, đơn vị./.

Mai Hương

 

Chia sẻ bài viết