Tiếng Việt | English

10/08/2015 - 17:12

Trẻ em sớm “vào đời” gánh nặng trên đôi vai nhỏ

Mùa tựu trường đã đến. Bên cạnh những trẻ em có cuộc sống đủ đầy, được cha mẹ mua sắm sách vở, chuẩn bị đồng phục sẵn sàng bước vào năm học mới, vẫn còn những em nhỏ phải lang thang giữa trời nắng nóng, bán vé số kiếm từng đồng bạc lẻ mưu sinh. Năm học mới đối với các em chẳng có gì, ngoài những lo toan ngày một nhiều hơn.


Em nhỏ bán vé số để trang trải tiền sách vở cho năm học mới

Nhọc nhằn gánh nặng tuổi thơ

Mùa tựu trường - mùa của sự hân hoan chào đón một năm học mới, sau những tháng hè xa cách bạn bè, cô thầy, trường lớp. Thế nhưng, với những em nhỏ sớm bươn chải, mưu sinh, mùa tựu trường cũng như những ngày tháng khác, chẳng có gì vui, chỉ có những giọt mồ hôi giữa trời trưa nóng bức hay làn da đã sạm đen hơn sau một mùa hè vất vả, đôi tay chai sần nhiều hơn. Mỗi em một hoàn cảnh, cũng đều ở tuổi ăn, tuổi lớn, nhưng có lẽ, ở những em sớm vào đời thì lại già dặn, chững chạc hơn vì phải đối mặt với nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Và, cũng có em, mùa tựu trường chỉ là dĩ vãng.

Góc đường gần Siêu thị Co.opmart, TP.Tân An có một em nhỏ bán dừa - tên Sang, mẹ em sức khỏe không tốt nên học đến lớp 8 thì em nghỉ, phụ cha bán dừa kiếm tiền lo cho gia đình. Em khá hiền, lễ phép và ít nói. Khi được hỏi rằng em có muốn tiếp tục đi học lại không, Sang cười buồn: “Em không đi học nổi vì nghỉ lâu rồi, nhưng em của em đang học tiểu học, em không muốn nó nghỉ học, mình em nghỉ để nó học tới nơi, tới chốn!”.

Em Nguyễn Ngọc Quyên (ấp 2, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An) cũng phải bán vé số cả năm, đi học thì bán nửa buổi còn những tháng hè thì bán suốt. Tuy nhiên, do học lực yếu vì không có thời gian ôn bài nên em bị lưu ban. Anh trai Nguyễn Ngọc Quân của em năm nay lên lớp 8 và cũng đi bán vé số nhưng bị bệnh hở van tim, cha đi làm hồ, mẹ sức khỏe không tốt nên các em còn nhỏ tuổi đã sớm gánh trách nhiệm trên vai.

Cần lắm những tấm lòng

Hình ảnh của Sang, Ngọc Quyên chỉ là những trường hợp điển hình của những trẻ em sớm phải đối mặt với cơm áo, gạo tiền. Ngoài kia vẫn còn nhiều, nhiều lắm những mảnh đời như của các em,... Và, các em vẫn rất cần có sự chung tay, góp sức từ các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và mạnh thường quân, những nhà hảo tâm yêu trẻ.


Nhà trườngthường xuyên kết hợp cùng các hội, đoàn thể vận động mạnh thường quân trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Trong đó, các hội, đoàn thể cũng là một trong những cánh tay đắc lực, hỗ trợ, cưu mang, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình trong đó là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức. Bí thư Đoàn - Hà Thị Thu Hương cho biết, bên cạnh việc thường xuyên vận động mạnh thường quân giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã duy trì lớp học tình thương từ năm 2010. Đối tượng của lớp hầu hết là những em có ba mẹ làm công nhân từ các tỉnh khác đến, không có hộ khẩu để đến trường như bạn bè đồng trang lứa, trong số đó, có vài em ban ngày cũng đi bán vé số. Lớp luôn duy trì số lượng học viên trong khoảng 30 em. 

Ngoài ra, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cũng là nơi cưu mang, nuôi dưỡng những trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Hiện tại, trung tâm đang nuôi dưỡng 6 trẻ mồ côi, đi lạc hay bị bỏ rơi. Đây là mái nhà thứ 2 của các em với đầy đủ tình thương của “ông bà, cha mẹ”, các em được lớn lên, được học tập và được tạo việc làm nuôi sống bản thân.

Tuổi thơ các em là một chuỗi những tháng ngày mưu sinh vất vả, mỗi quyển vở, cây bút, mỗi chiếc áo cũng thấm đẫm mồ hôi trên khắp các ngả đường. Vậy nên, cần lắm những tấm lòng nhân ái, những địa chỉ hảo tâm sẵn sàng chung tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, chắp cánh cho các em vững bước trên con đường dài!

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết, đến đầu năm 2015, toàn tỉnh có 325 trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; 610 trẻ tàn tật nặng; 63 trẻ mồ côi được gia đình nhận nuôi dưỡng,...

Những đối tượng trẻ này thường xuyên cần được quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ học tập, vui chơi, bảo đảm sức khỏe.

Thời gian tới, sở có ý kiến đề nghị UBND và cán bộ lao động-thương binh và xã hội cấp xã phải nắm được đối tượng trẻ em cơ nhỡ, trẻ có nguy cơ vi phạm pháp luật,... để can thiệp kịp thời.

 

Phạm Ngân

 

Chia sẻ bài viết