“Ngày Trí tuệ nhân tạo 2020 - Vươn tầm đón thách thức” được tổ chức trực tuyến vào ngày 12 và 13/9 với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới sẽ góp thêm những thông tin và kiến thức quý giá về AI Việt Nam và thế giới.
Thực tế ứng dụng AI ở Việt Nam
Từ năm 2014, AI được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển của Việt Nam. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chiến lược quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó xác định AI là một trong những công nghệ đột phá, mũi nhọn, cần được ưu tiên tập trung các nhóm chính sách để thúc đẩy phát triển. Nhiều đề án cấp quốc gia được phê duyệt với mục tiêu phát triển những ý tưởng công nghệ sáng tạo mang tính đột phá của người Việt.
AI được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển của Việt Nam. Ảnh: Infoworld.
AI cũng bắt đầu được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực hoạt động trong thực tế như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông và thương mại điện tử… Có thể kể đến hệ thống giao thông thông minh tại TP HCM, xe tự hành cấp độ 3 sử dụng ở khu đô thị Ecopark, hệ thống giám sát hành trình do Tổng cục đường bộ đặt hàng hiện theo dõi khoảng 1 triệu xe khách và xe kinh doanh vận tải…
Trong lĩnh vực y tế, ứng dụng AI giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh, khắc phục các rủi ro và sự cố y khoa, giảm tải các bệnh viện. Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Gia An 115 TP HCM và bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là 3 bệnh viện đầu tiên ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ, cho phép mở cửa sổ điều trị từ 6 tiếng lên 24 tiếng, nâng cao cơ hội sống cho bệnh nhân.
Ứng dụng AI trong chẩn đoán nội soi hình ảnh giúp tự động xác định, khoanh vùng và đánh giá mức độ tổn thương của hệ tiêu hoá cũng giúp việc chẩn đoán được thực hiện nhanh gấp 5 lần phương án truyền thống với độ chính xác lên đến 90%. Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã phát triển bộ phần mềm DrAir, hỗ trợ đánh giá tiên lượng Covid-19.
AI cũng được ứng dụng trong việc thống kê diện tích và tình trạng rừng tự động với độ chính xác là 80%, hỗ trợ tích cực công tác xây dựng cơ sở dữ liệu về rừng, hoạch định bản đồ quản lý rừng và lên kế hoạch phản ứng trong việc phòng hộ rừng nhanh gấp 5 lần phương pháp truyền thống.
Với sự trợ giúp của AI, ngành du lịch cũng tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn. Ứng dụng công nghệ giúp các đơn vị du lịch giảm thời gian, nhân lực và chi phí sản xuất, từ đó giảm giá thành dịch vụ. Vinpearl đã trở thành hệ thống khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt (Face Recognition – phát triển bởi Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research) giúp giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi thủ tục và quá trình di chuyển giữa các khu vực nội bộ của Vinpearl.
Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác nghiên cứu và ứng dụng AI cũng được chú trọng đầu tư, như dự án Khu công nghệ cao Hoà Lạc với tổng số vốn lên tới 450 triệu USD. Theo định hướng, đây sẽ là nơi ươm tạo công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, cung ứng sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao…
Mặc dù AI đang trở thành xu thế tất yếu với những tiềm năng to lớn, việc phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như nguồn nhân lực hạn chế, độ chuẩn xác của dữ liệu và khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp.
Vươn tầm đón thách thức
Nhằm góp phần thúc đẩy phát triển AI tại Việt Nam, ngày 12-13/09/2020, Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research (thuộc Tập đoàn Vingroup) sẽ tổ chức trực tuyến Sự kiện “Ngày Trí tuệ nhân tạo 2020 - Vươn tầm đón thách thức” với sự góp mặt của các chuyên gia AI hàng đầu thế giới.
“Trí tuệ nhân tạo trong đổi mới kỹ thuật” là một trong những chủ đề của AI Day 2020.
Sự kiện sẽ bao gồm 4 chủ đề chính: Phát triển Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam - tầm nhìn và thách thức; Trí tuệ nhân tạo trong đổi mới kỹ thuật ở các lĩnh vực giao thông vận tải, thị giác máy tính, y tế và sức khỏe; Đào tạo Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam và Trí tuệ nhân tạo trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tiếng nói tiếng Việt. Mục tiêu của sự kiện là thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng AI và góp phần giải quyết những vấn đề thách thức trong phát triển kinh tế xã hội. Tiến sĩ Bùi Hải Hưng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research sẽ tham gia phiên thảo luận đầu tiên của sự kiện vào ngày 12/9.
Sự kiện thu hút sự tham gia của các diễn giả, các tham luận viên danh tiếng khác, bao gồm Nemanja Djuric (Trưởng nhóm nghiên cứu về Học máy, Uber); Giáo sư Michael Brown - trường Đại học York (Giám đốc Trung Tâm AI của Samsung Toronto), Anandan (CEO Wadhani AI); Vũ Hà (Giám đốc kỹ thuật viện nghiên cứu AI The Allen); Giáo sư Karin Verspoor (Đại học Melbourne)... cùng nhiều chuyên gia AI nổi tiếng người Việt đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới.
Là sự kiện sẽ được tổ chức thường niên, Ngày trí tuệ nhân tạo Việt Nam - AI Day được kỳ vọng sẽ trở thành nơi gặp gỡ của những người có cùng chí hướng, để chia sẻ ý tưởng, trao đổi kinh nghiệm hướng tới mục tiêu ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu được ra mắt, nhiều sản phẩm và công nghệ được ứng dụng AI, mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội tại Việt Nam. Sự quan tâm đầu tư thích đáng trong lĩnh vực AI sẽ đưa Việt Nam đứng trước thời cơ phát triển đột phát mới, đón bắt nhu cầu tương lai./.
Theo VOV.VN