Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP về quy định mức lương tối thiểu đổi với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
Ngày 30/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP về quy định mức lương tối thiểu đổi với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (Nghị định số 74/2024/NĐ-CP).
Để triển khai kịp thời, đúng quy định, bảo đảm duy trì mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ giữa người lao động và người sử dụng lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị, các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố và người sử dụng lao động thuộc các loại hình doanh nghiệp trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị định số 74/2024/NĐ-CP cần lưu ý các nội dung sau:
Về mức lương tối thiểu:
Từ ngày 01/7/2024, áp dụng mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho người sử dụng lao động theo vùng.
Theo đó, mức 4.960.000 đồng/tháng hoặc 23.800 đồng/giờ, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc Vùng I, gồm TP.Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc.
Mức 4.410.000 đồng/tháng hoặc 21.200 đồng/giờ, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc Vùng II, gồm thị xã Kiến Tường và huyện Thủ Thừa, Cần Đước.
Mức 3.860.000 đồng/tháng hoặc 18.600 đồng/giờ, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc Vùng III, gồm các huyện Đức Huệ, Châu Thành, Tân Trụ và Thạnh Hóa.
Mức 3.450.000 đồng/tháng hoặc 16.600 đồng/giờ, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên bàn thuộc Vùng IV, gồm các huyện Mộc Hóa, Tân Hưng, Tân Thạnh và Vĩnh Hưng.
Doanh nghiệp có nhiều đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó; doanh nghiệp trong khu công nghiệp nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
Mức lương tối thiểu tháng được áp dụng đối với người lao động đang hưởng lương theo hình thức trả lương theo tháng, mức lương tối thiểu giờ được áp dụng đối với người lao động đang hưởng lương theo hình thức trả lương theo giờ.
Đối với người lao động đang hưởng lương theo các hình thức trả lương khác (theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm, lương khoán) thì mức lương đang trả theo các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ do Chính phủ quy định. Việc quy đổi mức lương theo tháng hoặc theo giờ do doanh nghiệp lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động.
Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu khi trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
Theo ông Nguyễn Đại Tánh, khi điều chỉnh mức lương tối thiểu có một số lưu ý sau:
Doanh nghiệp có trách nhiệm triển khai và thực hiện mức lương tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 74/2024/NĐ-CP; tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của doanh nghiệp, nếu không còn phù hợp với Nghị định số 74/2024/NĐ-CP thì điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Thực hiện tham khảo ý kiến của chức đại diện người lao động doanh nghiệp và công bố công khai kết quả việc rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của doanh nghiệp; không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác mà có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định số 74/2024/NĐ-CP, thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị, các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động, tổ chức Công đoàn cơ sở và doanh nghiệp trong các hoạt động đối thoại, thương lượng; đặc biệt là thương lượng tập thể để thỏa thuận về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác, bảo đảm có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động trong các loại hình doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý những vướng mắc phát sinh, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động, đình công xảy ra, bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp./.
Lê Đức