Tiếng Việt | English

13/05/2021 - 17:50

Trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế

Mô hình trồng nấm rơm xuất hiện tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã khá lâu. Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện, đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.

Hội  Nông dân huyện tham quan mô hình trồng nấm rơm

Hội  Nông dân huyện tham quan mô hình trồng nấm rơm

Hiện nay, huyện Đức Hòa có gần 15ha trồng nấm rơm tại các xã: Tân Phú, Hòa Khánh Tây, Hiệp Hòa, An Ninh Tây,... Một số người chọn trồng bằng cách ủ gòn để giảm công lao động nhưng đa số vẫn chọn trồng nấm bằng cách truyền thống, trồng hoàn toàn bằng rơm và không sử dụng thuốc, hóa chất độc hại.

Ruộng nấm rơm của gia đình bà Phan Thị Nương (ấp Hóc Thơm 1, xã Hòa Khánh Tây) đang thu hoạch. Bà Nương cho biết, vụ này, gia đình bà đầu tư khoảng 6 triệu đồng với hơn 200 cuộn rơm. Vẫn với cách trồng truyền thống và áp dụng một số phương pháp mới, nấm phát triển khá tốt. Giá bán dao động từ 75.000-95.000 đồng/kg. Bà Nương chia sẻ, nấm rơm được trồng theo các công đoạn như ủ rơm, trở rơm, ra meo, đốt rơm và tưới nước. Từ lúc bắt đầu các công đoạn đến khi ủ và ra nấm khoảng 20 ngày. Trồng nấm bằng rơm vất vả nhất ở khâu ủ, trở rơm. Với hơn 200 cuộn rơm đầu tư  trồng trong vụ này, dự kiến gia đình bà Nương có thể thu hoạch từ 200-300kg nấm. Nấm rơm được thu hoạch liên tục từ 7-10 ngày. Trong giữa thời kỳ thu hoạch, nấm sẽ rộ 3 ngày liên tiếp, sau đó sản lượng giảm dần đến kết thúc vụ.

Cũng giống gia đình bà Nương, gia đình ông Đặng Văn Dừa (ấp Hóc Thơm 1, xã Hòa Khánh Tây) có kinh nghiệm trên 10 năm trồng nấm rơm. Ông Dừa vừa kết thúc thu hoạch vụ nấm. Ông cho biết, những ngày trước, do thời tiết nắng nóng kéo dài, người trồng nấm vất vả hơn, năng suất không cao. Tuy nhiên, người trồng vẫn có lợi nhuận.

Mô hình trồng nấm rơm bằng rơm tại xã Hòa Khánh Tây

Mô hình trồng nấm rơm bằng rơm tại xã Hòa Khánh Tây

Theo các hộ có kinh nghiệm trồng nấm rơm lâu năm tại xã Hòa Khánh Tây, nông dân có thể trồng nấm rơm quanh năm, chỉ cần có rơm là có thể trồng. Tuy nhiên, mọi người thường chuyển vị trí trồng sau các vụ. Hiện nay, mỗi vụ nấm rơm có thời gian trồng và thu hoạch khoảng 30 ngày. Nếu thời tiết thuận lợi người trồng nấm có thể lãi gấp đôi, gấp 2,5 lần vốn đầu tư.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Hòa - Đào Văn Hùng thông tin: Mô hình trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đầu tư ít vốn, thời gian trồng ngắn. Hội Nông dân đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng nấm rơm cho nông dân. Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình tại một số xã, thị trấn có điều kiện phù hợp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Huyện Đức Hòa có diện tích đất trồng lúa khá lớn, đây cũng là lợi thế để các hộ trồng nấm tận dụng nguồn phế phẩm từ cây lúa để sản xuất. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện địa phương đã và đang góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mang lại thu nhập cho người dân, cải thiện kinh tế không ít hộ gia đình./.

Nhã Phương

Chia sẻ bài viết