Nông dân xuống giống và chăm sóc và chăm sóc rau màu phục vụ tết
Tất bật xuống giống rau màu
Để chủ động cung ứng nguồn rau xanh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, nông dân trồng rau trên địa bàn huyện Cần Đước, Cần Giuộc,... đang tích cực xuống giống và chăm sóc rau màu. Phần lớn diện tích rau màu được nông dân trồng trong thời điểm này là hành lá, húng cây, rau muống và một số loại cải,... Đối với các loại rau lấy củ và rau ăn quả, do thời gian sinh trưởng lâu nên được trồng sớm hơn rau ăn lá. Những loại rau này được tiêu thụ mạnh trong dịp tết, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Lê Văn Đồng, ngụ xã Long Trạch, huyện Cần Đước, cho biết: “Nghề nông thì mùa nào làm cây đó, nhưng trồng rau vụ tết mang lại thu nhập tương đối ổn định. Từ nhiều năm nay, năm nào gia đình tôi cũng trồng từ 0,1-0,2ha cải, hành lá và húng cây. Đối với hành lá và húng cây, chúng tôi bắt đầu trồng đầu tháng 10 âm lịch, còn cải thì khoảng tháng 11 âm lịch. Đến nay, rau phát triển tốt và hứa hẹn cho thu hoạch cao, đúng thời vụ tết”.
Còn ông Nguyễn Văn Năm - thành viên Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc), chia sẻ: “Từ lâu, việc trồng rau bán vào dịp Tết Nguyên đán được nông dân chú trọng. Bởi, rau vụ tết thường bán với giá cao, ít sâu, bệnh và năng suất cao hơn so với các vụ khác nên thu nhập cũng cao hơn. Trung bình mỗi vụ rau tết, gia đình tôi có lợi nhuận trên 30 triệu đồng/0,2ha đất”.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, dịp Tết Nguyên đán, diện tích trồng rau được nông dân thâm canh tăng vụ. Hiện toàn huyện có khoảng 700ha rau các loại. Huyện đang tích cực chỉ đạo ban khuyến nông, HTX nông nghiệp tập trung kiểm tra, thăm đồng, động viên nông dân đẩy mạnh chăm sóc, đặc biệt là áp dụng quy trình VietGAP để có sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong dịp tết.
Từ hiệu quả vụ dưa tết năm trước, năm nay, ông Đỗ Văn Lang, ngụ xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tiếp tục xuống giống 0,5ha. Ông Lang cho biết: “Năm trước, gia đình tôi thu hoạch gần 3 tấn dưa hấu/0,1ha. Nếu năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất và giá cả đạt như năm trước thì gia đình tôi có thể lãi khoảng 15 triệu đồng/0,1ha”. Cũng như ông Lang, ông Nguyễn Văn Hiệp, ngụ cùng địa phương, có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng dưa hấu. Năm nay, ông Hiệp xuống giống 0,7ha. Ông Hiệp chia sẻ: “Thời tiết năm nay bất thường, cuối mùa mưa nhiều nên tỷ lệ nảy mầm của dưa không cao, chỉ đạt khoảng 80%. Sau 10 ngày xuống giống, hiện dưa sinh trưởng và phát triển tốt. Năm nay, tôi xuống giống sớm hơn mọi năm, vì rút kinh nghiệm từ năm trước, dưa bị tồn đọng sau tết”.
Nông dân xuống giống và chăm sóc và chăm sóc rau màu phục vụ tết
Chủ tịch UBND xã Bình Trinh Đông - Nguyễn Hồng Dũng thông tin: “Hiện xã có hơn 3ha dưa hấu tết, tập trung ở 2 ấp Bình Hòa và Bình Đông. Loại giống được chọn vẫn là các giống dưa truyền thống. Năm nay, giá giống, phân bón và nhân công khá ổn định nên người trồng dưa an tâm về các yếu tố đầu vào. Theo tính toán, 0,1ha dưa hấu có chi phí đầu tư từ 10-12 triệu đồng. Những năm gần đây, dưa hấu tết luôn có giá từ 8.000-12.000 đồng/kg. Nếu thời tiết thuận lợi, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và chăm sóc tốt thì đến khi thu hoạch, mỗi hộ trồng dưa hấu có thể có lãi trên 10 triệu đồng/0,1ha”.
Mai vàng sẵn sàng đón tết
Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh chuyển sang trồng mai vàng để bán vào dịp tết. Ông Nguyễn Văn Thiên, ngụ xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, là một trong những người đầu tiên mang cây mai về với vùng đất này. Ông cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa nhưng thường xuyên bị chuột phá, bọ, rầy,... nên có thu nhập rất thấp. Sau một lần đi tham quan cây cảnh ở Vĩnh Long, tôi quyết định chuyển hẳn 1,5ha lúa sang trồng mai. Thay vì lên liếp như các nhà vườn khác, tôi vun đất thành ụ rồi trồng mai để tránh bị ngập nước khi lũ về”.
Hiện vườn mai của ông Thiên có gần 1.000 gốc, trong đó có một số gốc mai có giá trị rất lớn, khoảng hơn 100 triệu đồng/gốc. Ông Thiên so sánh, trồng mai có lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa. Trung bình 1ha đất, nông dân trồng khoảng 600 gốc mai. Sau 5 năm chăm sóc, mỗi gốc mai bán với giá trung bình trên 2 triệu đồng. Như vậy, nông dân thu được hơn 1 tỉ đồng. Trong khi đó, người trồng lúa mỗi năm chỉ làm được 2 vụ, có lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/năm.
Giống như ông Thiên, ông Trần Hữu Duyên, ngụ ấp 2, xã Long Thạnh, cũng mạnh dạn chuyển đổi 1,3ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mai. Ông Duyên nói: “Chi phí đầu tư ban đầu để trồng mai rất lớn, khoảng 80 triệu đồng/ha cho việc lên liếp, mua cây giống, hệ thống tưới,... Bên cạnh đó, thời gian để có được thu nhập từ mai cũng khá dài, phải trên 3 năm thì mai mới bán được”.
Ông Duyên cho biết thêm, cây mai ngoài việc bán gốc còn dùng để ghép mai nhiều cánh hoặc làm bonsai. Theo ông, mai từ khi ghép đến ít nhất 2 năm sau mới bán được. Vì vậy, để có một gốc mai vừa ý, bán được giá, phải mất thời gian và rất nhiều công sức. Cây mai mới ghép năm đầu thường chỉ ra 9-10 cánh, chừng 5-7 năm sau mới ra được 12 cánh hoặc nhiều hơn. Ghép xong còn phải chăm sóc, tạo dáng cho cây, dáng càng đẹp thì giá càng cao. Tết năm trước, ông bán được khoảng 300 gốc mai, thu lãi trên 200 triệu đồng.
Nông dân chăm sóc mai bán vào dịp tết
Chủ tịch UBND xã Long Thạnh - Bùi Thanh Tuấn cho biết: “Những năm gần đây, nhiều nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng mai, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có trên 10ha mai, phần lớn đang vào giai đoạn chăm bón, xử lý để mai ra hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Nhưng trước diễn biến bất thường của thời tiết, người trồng mai cần thường xuyên thăm vườn và chủ động trong khâu chăm sóc. Hy vọng, người trồng mai sẽ có một mùa mai tết bội thu”.
Qua thống kê của ngành nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có hơn 5.620ha rau màu các loại. Để vụ rau màu đạt thắng lợi phục vụ dịp tết, ngành nông nghiệp tỉnh lưu ý nông dân cần thường xuyên quan tâm và phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại./.
Huỳnh Phong-Bùi Tùng