Giáo sư, Phó Giáo sư là các chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Đó là chức danh khoa học cao nhất của nhà giáo.
Việc trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM) tự phong chức danh GS, PGS cho các giảng viên trong trường đang gây ra những tranh luận trái chiều.
Luồng ý kiến ủng hộ cho rằng: Đây là việc làm cần khuyến khích, Bộ GD-ĐT nên tập trung vào xây dựng chiến lược GD-ĐT, quản lý ngành hơn là “ôm đồm” mọi việc. Hãy để quyền tự chủ cho các trường vì việc phong giáo sư là hết sức bình thường.
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác cho rằng, nên để Hội đồng Giáo sư Nhà nước làm thì hơn, vì đã có chuẩn quốc gia thống nhất. Chứ nếu mỗi trường tự phong thì sẽ “loạn” Giáo sư, Phó giáo sư.
Và trong lúc này, cơ quan quản lý là Bộ Giáo dục-Đào tạo vẫn chưa có ý kiến, quan điểm chính thức.
Câu chuyện của trường Đại học Tôn Đức Thắng lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Theo lời lãnh đạo nhà trường, việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho chuyên gia, nhà khoa học của trường được thực hiện dựa trên quyền tự chủ được cho phép thí điểm theo Quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ.
Hãy khoan bàn tới việc làm của ĐH Tôn Đức Thắng là đúng luật hay không đúng luật, mà với thực tế giáo dục, kinh tế-xã hội của nước ta nếu áp dụng mô hình “tự phong” của ĐH Tôn Đức Thắng nhiều người lo ngại tình trạng trong trường sẽ tự nâng nhau lên để lấy danh tiếng. Đặc biệt là trong lúc các trường phải cạnh tranh với nhau để thu hút thí sinh thì trường nào khuếch trương được thì trường đó thắng.
Nếu nhiều trường cùng áp dụng mô hình của ĐH Tôn Đức Thắng thì chúng ta sẽ có một đội ngũ GS, PGS “vô cùng hùng hậu”. Theo một số liệu thống kê năm 2013 – 2014, cả nước có khoảng 9.000 giáo sư và 24.300 tiến sĩ. Việt Nam có số giáo sư, tiến sĩ "nhiều nhất Đông Nam Á". Chưa kể kiểu “trăm hoa đua nở” thì mỗi trường sẽ có tiêu chí riêng, khác nhau. Phong hàm như vậy dễ xảy ra tình trạng “lập lờ đánh lận con đen” giữa GS trường tự phong và GS do Nhà nước phong tặng. Đấy là chưa kể sẽ triệt tiêu sự phấn đấu, cạnh tranh, phát triển trong nghiên cứu khoa học, bởi sẽ có tư tưởng, kiểu gì chả có chức danh GS.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên cân đối với chất lượng giáo dục hiện nay. Một đất nước có quá nhiều giáo sư mà lại đào tạo ra số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp mỗi năm một tăng. Lý do chính chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Đặc biệt, theo đánh giá, đội ngũ giáo sư, tiến sĩ Việt Nam đang thừa một cách tương đối, có một tỷ lệ lớn được đào tạo không chuẩn, thiên về lý thuyết, chất lượng dưới mức trung bình so với quốc tế. Điều này cho thấy, một đất nước có nền giáo dục phát triển hay không không lệ thuộc vào số lượng giáo sư, PGS.
Xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm các chức danh GS, PGS là một chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và nhà nước ta. Bởi các GS, PGS là đội ngũ các cán bộ khoa học đầu đàn, chủ chốt trong các cơ sở giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Chủ trương này cũng tạo ra cơ sở cho việc đề xuất và thực hiện các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với GS, PGS. Nghị định của Chính phủ đã qui định rất rõ về việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư, vì thế không có lý gì ĐH Tôn Đức Thắng lại “xé rào”, một mình một kiểu để có những đãi ngộ tương xứng được
Thực tế, nhà nước có hẳn một Hội đồng phong hàm GS, Phó GS. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của Hội đồng này có thể còn nhiều vấn đề chưa ổn khiến dư luận tỏ ra băn khoăn với đội ngũ GS, PGS hiện nay. Nhắc đến GS, PGS không được dư luận kính trọng như trước kia. Điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều tới những người làm nghiên cứu khoa học một cách tâm huyết và thực lực.
ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, việc “tự phong” là áp dụng theo các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta đang hội nhập quốc tế, việc trao đổi, nghiên cứu, liên kết đào tạo hoàn toàn có thể áp dụng mô hình của nhau. Còn việc phong hàm giáo sư, PGS thì chúng ta đã có hẳn một nghị định thì không có lý gì lại có trường tự tạo một sân chơi riêng cho mình./.
Vũ Hạnh/VOV.VN